Trong chuyến Cao Bằng Motor Tour 3N2Đ, tôi đã có dịp khám phá những địa danh nổi tiếng ở Cao Bằng.
Đặc biệt nhất trong số đó có lẽ là Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Hang Pác Bó – suối Lê Nin, nơi Bác Hồ – Vị lãnh tụ của dân tộc đặt bước chân đầu tiên trở về Tổ quốc sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước!
1. Nguồn gốc tên “Hang Pác Bó – Suối Lê Nin”
“Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt
Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi
Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất
Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”.
Một người từng chuyên Văn và thi Sử, tôi vẫn ám ảnh với câu thơ “Giấc mơ con đè nát cuộc đời con” trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” của cụ Chế Lan Viên.
Thế nhưng tận đến lúc soạn lại bài viết này, tôi mới nhớ mang máng rằng khổ cuối của bài thơ, tác giả đã khắc họa lại hình ảnh ngày Bác về sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước.
“Kìa, bóng Bác đang hôn lên hòn đất”!
Hình ảnh ấy mới đẹp làm sao. Lòng tôi rưng rưng xúc động khi lần đầu tiên được tới thăm vùng đất đã in dấu chân của Bác Hồ Kính yêu!
Nằm cách thành phố Cao Bằng 52 km về phía Bắc là Khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Quần thể này thuộc địa phận xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Pác Bó – theo tiếng Tày-Nùng có nghĩa là “đầu nguồn”, nơi còn có cái tên khác được người dân bản địa gọi là suối Giàng hay Dòng Trừng.
Tôi đã khá bối rối khi ngày bé được học là hang Pác Bó, nơi bác “Sáng ra đầu suối, tối vào hang”. Thế nhưng biển đá lại đề là Hang Cốc Bó.
Sau khi tìm hiểu, tôi đọc được thông tin rằng:
Pác Bó và Cốc Bó có ý nghĩa tương tự, gần như na ná nhau.
Pác Bó theo tiếng địa phương là miệng nguồn, Cốc Bó là đầu nguồn.
Pác Bó là tên địa danh của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó.
Còn Cốc Bó là tên một cái hang – thành phần trong quần thể, cũng chính là hang mà Bác Hồ đã ở đây trong thời gian đầu về nước.
2. Chi tiết tham quan Khu di tích lịch sử Suối Lê Nin – Hang Pác Bó (không có HDV)
Đoàn chúng tôi đi tự do, không thuê Hướng dẫn viên.
Giá vé: 25.000 VNĐ/1 người. Trẻ em dưới 1m2 được miễn phí.
Lúc chúng tôi di chuyển từ homestay đến đây là lúc 10h sáng.
Khách du lịch lác đác, có người đi theo nhóm nhỏ, có đoàn lớn cùng hướng dẫn viên chuyên nghiệp.
Chúng tôi rảo bước thong thả trong tiết trời thu gió nhẹ nhàng, nắng hanh hao.
Điểm đến đầu tiên là Đền thờ vị Cha già Dân tộc.
Sau khi vượt qua quãng độ gần 1km bậc thang dẫn đến trước cửa đền, trước mắt tôi là 2 chậu sen lớn, hoa sứ hồng đang độ rộ bông, xa xa là núi rừng tĩnh lặng bao bọc lấy dòng suối Lê Nin nước xanh trong như ngọc.
Tôi thấy lòng mình ngập tràn cảm giác bình yên.
2.1 Hang Cốc Bó/Hang Pác Bó
Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi qua cột mốc 108, trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam.
Với tên gọi là già Thu, những ngày đầu, người ở và làm việc tại nhà ông Lý Quốc Súng.
Từ ngày 8/2 đến cuối tháng 3/1941, người ở và làm việc tại hang này.
Sau khi checkin với suối Lê Nin xanh một màu ngọc bích, chụp được chú chuồn chuồn ớt dạn dĩ đậu trên bờ suối lâu thật lâu cho tôi tác nghiệp, ngắm chán chê đàn cá tung tăng bơi lội trong làn nước nhìn thấy tận đáy, tôi mới bắt đầu nhẩn nha tản bộ, khám phá hang Pác Bó.
Chăm chú đọc biển đá chỉ dẫn ở đầu hang xong, tôi háo hức đi vào.
Hang có diện tích 80m2, cửa hang khéo vừa vặn đủ cho một người lớn chui lọt.
Ở cửa hang có dòng chữ 8/2/1941 do chính tay Bác khắc lên, đánh dấu cột mốc ngày đầu Bác đến đây sống và làm việc.
Lòng hang vẫn tối dù đã được lắp thêm đèn vàng để trợ sáng. Trần hang cao và rộng, mở ra toàn bộ không gian nơi Bác kính yêu từng ở đây.
Này là giường nơi Bác nghỉ và làm việc – chỉ là một tấm phản gỗ mỏng.
Này là ấm đun nước được gác lên 3 ông đầu rau vẫn còn mấy thanh củi chất quanh.
Những bài thơ, những dấu ấn của Người dường như vẫn còn nguyên vẹn. Tôi lặng đọc những bài thơ, lặng lẽ ngắm không gian trong không khí trang nghiêm và thành kính.
2/ Suối Lê Nin
Từ xa xưa, dân bản gọi đây là suối Khuổi Giàng, tiếng Tày có nghĩa suối trời.
Từ khi Bác về, Bác đã đặt tên cho dòng suối là suối Lê Nin, còn ngọn núi hùng vĩ bao quanh, Bác gọi là núi Các Mác – tên của hai nhà tư tưởng ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người.
Suối Lê Nin khiến bất cứ ai lần đầu nhìn thấy cũng phải ấn tượng bởi màu xanh ngọc bích trong veo trong vắt, như một tấm gương khổng lồ phản chiếu núi non hùng vĩ.
Mặc dù khách du lịch tới tham quan khá đông, nhưng trong không gian tĩnh lặng và cảnh sắc trữ tình yên ả này, ai ai cũng đều bước thật chậm như muốn thu gọn vào tầm mắt cảnh quan tuyệt đẹp này.
3/ Nhà của ông Lý Quốc Súng
Nhìn thấy biển chỉ dẫn Nhà của ông Lý Quốc Súng – nơi Bác tới ở và làm việc trong những ngày đầu về nước cách mấy chục mét, tôi hào hứng rủ mọi người ghé thăm khám phá.
Một người em của tôi mặc nguyên set giáp da, đeo giày mô tô nặng nề thở phì phò, hài hước bảo “Nhưng ông Súng không có nhà đâu chị à, để lúc khác mình qua thăm”.
Tôi bật cười, nhưng ráng kéo hắn vượt lười để mấy anh chị em leo lên mấy chục bậc thang, khám phá nhà của ông Súng.
Ngôi nhà này được xây dựng khoảng năm 1937, theo kiểu nhà sàn ở địa phương với 3 phòng rộng rãi.
Mái được lợp cọ mát lạnh, vách lợp nứa, sàn nhà trải sỏi sạch sẽ. Tôi tò mò ngó nghiêng những vật dụng được trưng bày trong nhà đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Xuống đến nơi Bác từng ngồi câu cá, dịch sử Đảng, tôi hơi mỏi chân bèn ngồi bệt xuống, tựa lưng vào cây, lắng nghe tiếng suối róc rách, tiếng chim hót véo von, thấy lòng trào dâng một cảm giác xúc động bồi hồi.
Vì lang thang thẩn thơ ở trong hang và suối lâu quá (Bạn chỉ cần giơ máy lên là có ảnh đẹp – không cần thêm hiệu ứng màu), nên tôi không kịp tới checkin cột mốc 108 vì mọi người trong đoàn đang chờ ở ngoài.
Nhất định tôi sẽ quay lại Cao Bằng, thăm lại những địa điểm lịch sử thiêng liêng này!
Comment