“When life gives you tangerines”..
Khi cuộc đời cho bạn quả quýt, bạn sẽ làm gì?
Ai mà biết được quả quýt ngọt hay chua? Cuộc đời cũng đâu có biết bạn thích ngọt hay chua đâu?
Hên thì vừa ý, xui thì bất như ý.
Nhưng chua ngay ngọt, hên hay xui, thì khi cuộc đời cho tôi quả quýt, tôi cứ cảm ơn cuộc đời trước đã.
Được cho đã là hạnh phúc rồi.
Hên thì là món quà, xui thì là bài học, đường nào thì cũng là được!
Lâu lắm rồi mới có một bộ phim mà tôi xem không tua khúc nào, thậm chí còn phải dừng lại để ngẫm nghĩ lời thoại, khóc cười cùng nhân vật…
Thật nể phục biên kịch, đạo diễn và diễn viên trong “When life gives you tangerines”!!!

Những vườn cải xanh vàng mênh mông rực rỡ, những biển cả đại đương xanh thẳm xanh không thấy đường chân trời, những tia nắng bình minh lấp lánh chiếu lên Ae Soon và bố, dát vàng dát bạc lên mặt nước lấp lóa, … đẹp đến nao lòng.
Dòng thời gian trong phim cứ xen kẽ quá khứ vị lai, cứ bình an một chút rồi lại đau lòng khắc khoải một chút…
Tình yêu, tình thân, tình thương, …
Ở bài viết trước, tôi mới xem tới tập 4 tập 5, cứ thắc mắc là sao mẹ lại khóc mà dặn Ae Soon như vậy:
“Ai rồi cũng phải mồ côi mà thôi. Dù bố mẹ có chết trước, con cái vẫn phải sống.
Cứ sống rồi sẽ sống thôi.
Khi con sống, có những ngày khó khăn.
Khi con sống, sẽ có những ngày con chỉ muốn chết…”
Để rồi đến tận nhiều tập sau đó, cảnh mẹ ôm con trối trăng những lời sau cuối đó mới được hé mở nốt, trọn vẹn lời dặn dò của mẹ:
“Ai rồi cũng phải mồ côi mà thôi. Dù bố mẹ có chết trước, con cái vẫn phải sống.
Cứ sống rồi sẽ sống thôi.
Khi con sống, có những ngày khó khăn.
Khi con sống, sẽ có những ngày con chỉ muốn chết…
Nhưng chỉ cần con cố gắng vùng vẫy, rồi con sẽ lại được hít thở, sẽ lại được thấy bầu trời xanh”…


Lịch làm lịch học của 2 chị em đợt này bận quá, nên tôi với Ngọc Mai lâu rồi không được ăn cơm chung.
Mấy bữa nọ tôi mệt, nghỉ tập ít bữa, 2 đứa lại hí hớn nấu ăn, dọn cơm, vác ipad ra hào hứng xem “Quả Quýt”.
Hôm rồi Mai về quê, tôi xem trước, nay nàng lên nấu ăn cho chị.
Vừa dọn cơm xong, tôi bỏ bát đũa đấy, háo hức “đàm đạo” về tập mới nhất:
– Có cái chi tiết buồn cực bạn ạ.
Lúc mà Ae Soon lớn rồi ấy, cổ già rồi, con gái cũng lớn rồi, ngồi với các cô hải nữ (lúc này thành các bà rồi), cổ nói là:
“Cô ơi bao giờ thì cháu thành người lớn nhỉ? Cháu thấy mình vẫn còn bé quá”.
“Người lớn được gọi là người lớn vì họ cứ lớn lên rồi được gọi vậy thôi.
Đến các cô còn thấy mình còn bé đây này”.
Cuộc hội thoại trong phim ấy dù kết thúc bằng tiếng cười xòa đùa trêu của các cô hải nữ tốt bụng, tử tế, lạc quan, nó vẫn chạm đến, làm tôi buồn một nỗi buồn hoang hoải mãi…
Ừ đúng vậy! Có lớp học nào dạy làm người lớn đâu, năm tháng trôi qua, lớn rồi thì vụt trở thành “người lớn” thôi…
Quỳnh ki cháu gái tôi mới đi thi HSG Văn cấp huyện về, chị bảo cháu buồn vì bị tâm lý, câu thứ 2 làm không tốt, cứ khóc nức nở mãi…
Tôi buột miệng nói với chị “Không sao đâu mà, chỉ là cuộc thi thôi”, rồi ngỡ ngàng chết lặng.
Tôi bối rối vì không biết an ủi Quỳnh ki như thế nào nữa..
Bây giờ là “người lớn”, tôi thấy vấn đề của cháu còn chẳng phải là vấn đề, vì với người lớn, đó chỉ là chuyện cỏn con, không sao, đường đời con còn dài, còn nhiều cuộc thi lắm lắm…
Nhưng nếu ở địa vị của con, việc không làm bài thi tốt là vấn đề lớn đến mức khiến con suy sụp, tuyệt vọng, thậm chí nghĩ quẩn ấy chứ, vì … tôi cũng đã từng như thế mà…


Thật tình, tôi chẳng biết ủi an cháu ra sao, bèn nhắn chị động viên cháu nhé…
Nghĩ đến quãng đời dài sau này, những xước xát thương tổn mà các con sẽ phải trải qua, những cuộc thi lớn hơn, những bài học dữ dằn hơn từ vũ trụ gởi đến các con mà tim tôi đau thắt lại.
Tôi không muốn những đứa trẻ đáng yêu, hồn nhiên phải chịu đựng những điều ấy, phải kinh qua những điều ấy…
Tôi vụt nhớ đến một lần, anh tôi nói về việc, anh muốn con anh hiểu được, có được những kinh nghiệm đó, nhưng lại không muốn con anh ấy trải qua.
Và ảnh buồn, vì chính anh ấy cũng hiểu điều đó là không tưởng.
Có lẽ không nhiều người có được kinh nghiệm mà học được qua quan sát, qua sách vở, qua lời dặn dò của người khác.
Có lẽ, hầu hết, người ta phải tự trải qua…

Ngày hôm qua, 24/3/2025, tôi đăng bài viết bán Heihei lên facebook.
Nhiều người nhắn tin cho tôi buồn, tiếc, hỏi tại sao, ..
Chị gái vẫn là hiểu tính tôi nhất, hoặc có lẽ đó là tình thân máu mủ ruột thịt, chị cảm được điều gì đó dường như bất ổn từ tôi, chị nhắn cho tôi nhiều lắm, tràn ngập vỗ về, yêu thương.
Lúc đăng những dòng ấy, tôi chưa biết buồn, chưa thấy buồn.
Cũng như ngày đầu tiên nhận em ấy từ showroom Honda, tôi thấy xa cách, lạ lẫm…
“Chưa bao giờ chị ủng hộ dì mua Heihei, nhưng tôn trọng đam mê, sở thích của dì. Sao nay buồn thế, […], chị chỉ biết khóc, chỉ biết thương”.
“Dù mạnh mẽ đến mấy chị biết dì rất buồn, […], sau này dì lại có bạn đồng hành xịn hơn thế nữa nhá.
Tận đến khi đọc những dòng này, tôi mới khóc.
Tôi bán bạn đồng hành của mình hả?
Nhưng như trong “Ai muốn nghe không” – Lộn xộn 5 ấy, anh Đen chả bảo “Có biết bao nhiêu điều, không biết nói với ai” còn gì…

6 ngày nữa, tròn mốc 3 năm.
Được – Mất, Khổ đau – Hạnh phúc, Người đến – Người đi, …
Vừa ăn cơm trưa, gọi điện cho bố mẹ. Bố tếu táo với tôi:
– Èo, sao Lan Anh kín thế. Nhưng thôi con lớn rồi, con cứ lựa làm những gì con thấy hợp lý nhé.
Thế có định lên đời không đấy?
Mẹ bảo, lúc sáng mẹ kể chuyện chị, bố bảo “Lo cho cái đứa nhỏ kia kìa”, ý là đứa út ít là tôi.
Hehe, đồ mít ướt, nghe vậy lại rân rấn, nhưng mà cứ phải phớ lớ để bố mẹ an lòng.
“Con ơi, có gì chia sẻ sẻ con đừng lo một mình khổ thân con nhé.
Có khó khăn gì cùng nhau con nhé”…
Mẹ ơi!!!

Tôi vừa mang cái che nắng ra cho Heihei, tự nhiên nảy ra một ý nghĩ, nghĩ xong tự bật cười.
“Không biết cái bạt này có chống tia UV không nhỉ”.
Không phải tôi coi Heihei như bạn đồng hành đâu.
Mà Heihei thực sự là bạn đồng hành của tôi, một người bạn thực sự đấy!
Anh bảo:
– Này, anh không quát vào mặt em được là sao em lãng phí thế. Ai có 10 tỉ nhàn rỗi người ta mới chơi xe kiểu của em.
– Anh ơi, với anh là vậy, nhưng với em thì góc nhìn mong muốn của em khác anh mà.
Bạn em có thể bỏ ra 10 triệu cho vài món skincare và hỏi “Sao mày có thể bỏ ra 15 triệu mua cái mũ bảo hiểm vậy”?
Nhưng em thì ngược lại.
Mỗi người có một giá trị riêng trong cuộc sống mà họ cho là đáng giá, đáng đầu tư, đáng bỏ tiền, chữ “Xứng đáng” với người này đâu có được thiết kế để vừa vặn với hệ giá trị của người kia đâu anh.
Em yêu Heihei, và những món đồ đó, em không tiếc tiền để mua nó, vì em thấy nó xứng đáng.
“Và đôi khi bạc vàng, không bằng món quà mọn”.
“Có những thứ giá trị nhưng không hề lấp lánh”.
Anh Đen đã viết ra những “áng thơ” bình dị mà quý giá vậy đấy!

“Một đời như kẻ tìm đường” – Tôi chợt nhớ tới tên cuốn sách của Giáo sư Phan Văn Trường mà tôi đã mua trọn bộ ở nhà.
Nếu ví một đời như kẻ tìm đường, chắc hẳn quãng đời vừa qua, tôi đã dũng cảm lắm đây.
Một mình dò dẫm, một mình rong ruổi.
Cung đường đời “Không map” này, khi hoa thơm cỏ lạ, lúc đá sỏi bùn rêu, có quãng chằng chịt gai góc, tôi (chắc là) may mắn mỗi thứ được nếm trải chút chút, cũng đủ cả.
Tôi sa đà vào chủ nghĩa tiêu dùng cũng nhiều, mà tôi giác ngộ tâm linh cũng chẳng ít.
Tôi cô độc cũng có, mà sa đà vào cuộc vui lao xao đông đúc cũng chẳng hiếm hoi.
“Cứ sống, rồi sẽ sống thôi”.
Mẹ Ae Soon bảo vậy rồi mà!
Chẳng có vết thương nào hở mãi, có cứng đầu đến mấy, có đau đớn đến mấy, theo thời gian, chúng cũng sẽ “liền miệng” lại, sẽ hóa thành vết sẹo mà khi ta có chạm đến, ta chẳng còn cảm giác gì nữa – bởi chỗ da thịt ấy, chết đi từ lúc những mũi khâu xuyên qua da rồi mà!
Có chăng, một ngày nào đó, một ngày đẹp trời, xấu trời nào đó, nó sẽ thảng hiện về, nhắc ta về những người, những điều, những bài học đã đi ngang qua đời ta.
“Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua đi”.
“Mọi chuyện đều là an bài tốt nhất”.
“Dựa núi, núi đổ.
Dựa người, người đi.
Chỉ có dựa vào chính mình mới là bền vững nhất”.
Biết ơn “3 thần chú” của tôi, biết ơn những tình yêu thương của tình thân ruột thịt dành cho tôi.
“Có máu có xót” – Lời cổ nhân quả là chẳng bao giờ sai được.
Ở ngoài đời, người ta có điều kiện mới yêu con.
Ở ngoài đời, không có “chung máu”, họ không có xót con đâu, Bố Mẹ ơi!!!
