Gần đi ngủ, tôi lướt Facebook thấy tấm hình này.
Phim thì tôi chưa xem, nhưng cuộc hội thoại này khiến tôi chợt khựng lại.
Một nhánh kí ức từ những năm tháng tuổi thơ rất xa xôi chợt hiện về, rõ ràng, sắc nét và chi tiết.
À, thì ra bộ não chúng ta đôi khi giống như Chậu tưởng ký trong Harry Porter vậy, nó vẫn chứa đựng toàn bộ kỷ niệm, ký ức, chỉ đợi “dịp” được gợi lại để ào ạt tuôn chảy nhắc về, như một dòng suối trong trẻo tưới mát tâm hồn ta – những-người-lớn!
Ngày xưa, xưa ơi là xưa, xưa lắm, xa lắc xa lơ rồi.
Lúc ấy tôi còn bé tí, và tôi nhớ rõ ngày hôm ấy, tôi giận bố tôi một chuyện gì kinh khủng lắm.
Tôi phát hiện ra rằng, với những người thương yêu mình, không cứ là trẻ con mà người lớn cũng vậy, người ta hay chọn cách làm đau mình như một chiêu (mà người ta cho rằng là hiệu quả) để “trừng phạt” đối phương.
Như mọi đứa trẻ khác, tôi chọn cách “Tuyệt thực” để thể hiện sự giận dỗi của mình.
(Ngoài ra, tuổi thơ dữ dội của tôi cũng đôi lần to gan lớn mật, cất hết sách vở, gấp hết quần áo đồng phục cất đi, đòi … nghỉ học để thể hiện sự giận dỗi).
Đúng là … hấp.
Nghĩ vẫn thấy buồn cười cho sự ngây thơ dại dột.
Ký ức hiện về hình ảnh tôi nhỏ thó ngồi lì trong góc phòng nhỏ xíu – hay hồi xưa gọi là cái buồng, nước mắt ngắn nước mắt dài.
Tôi lì lợm và cứng đầu – lớn lên mới biết đường đời 1 cái nết nó vậy :P.
Bố tôi cũng đường đời 1 nữa. 2 con người nóng tính, cố chấp, bướng bỉnh “đối đầu” nhau.
Không biết sao hôm ấy mẹ không có nhà.
Bố tôi cũng xuống nước xin lỗi tôi theo “kiểu của bố mẹ”:
Ấy là gọi tôi ra ăn cơm!
Tôi chống đối … đương nhiên.
Từ thút thít khóc ban đầu, biết bố xuống nước gọi ra ăn cơm, tôi càng gào tợn, nức nở ỉ ôi, nghe xót ruột hay sốt ruột thì chắc cũng còn tuỳ hoàn cảnh :P.
Thế nhưng hồi có tôi, bố 36 tuổi rồi – con gái út ít của bố mẹ mà.
Vậy nên tôi ước chừng cái khoảng thời gian tôi học cấp 1 ấy, bố cũng hơn 40 tuổi rồi.
Hơn 40 tuổi, nông dân chính hiệu.
Nông dân chính hiệu theo cách hiểu của tôi là cách bày tỏ tình cảm cũng vô cùng “nông dân”:
Không bế ẵm, không thơm má, không con yêu gái rượu ơi ời.
Yêu thương thì cố gắng làm lụng để bữa cơm con có nhiều miếng ngon, để con có nhiều quần áo đẹp, để sách bút con đi học được mới coong đủ đầy cho “bằng bạn bằng bè”.
Thế nên sau khi nghe tôi gào khóc tợn, i ỉ hay ư ử trong góc buồng, bố đã làm một hành động mà đến bây giờ, khi nhớ lại, khi tự nhiên được gợi lại như lúc đọc được những dòng trong bức hình ở trên, một sự ấm áp và thương đến “thắt ruột gan” âm ỉ trong tôi…
Ấy là bố phi vào trong buồng, nịnh cho tôi cười, rồi bất thình lình bế bổng tôi lên, đặt tôi ngồi xuống cạnh mâm cơm.
Diễn biến sau đó như thế nào, chậu tưởng ký của tôi … tắc tị, nó không hiện ra nữa.
Nhưng cái “cảm giác” về lần đầu tiên được bố bế bổng lên, cảm giác về tình yêu thương, về sự chiều chuộng, sự “xuống nước” xin lỗi của người lớn hiển hiện qua hành động đó, tôi nhớ mãi!
Cảm giác của sự ấm áp, dịu dàng, … Tình yêu thương của ông bố nông dân hơn 40 tuổi dành cho cô con gái nhỏ.
Vậy đấy, thoáng cái đã hơn 20 năm trôi qua.
Năm 2022, sinh nhật bố, tôi để cái dòng tiêu đề là: Năm con 26, bố 62.
Năm nay thì con 28, bố cũng 64 rồi.
Tự nhiên tôi nhớ đến lời bài hát “Dòng thời gian” trong phim “Mùi ngò gai”:
“Về nơi đâu những mộng mơ
Về nơi đâu hỡi những niềm vui
Còn lại mình tôi đang đứng giữa trời
Hay là tôi đã về đâu?
Về nơi đâu cánh diều kia
Về nơi đâu hỡi tuổi thần tiên
Còn lại mình tôi đang đứng giữa trời
Hay là tôi đã về đâu? Tôi về đâu?…”
Thoắt cái, ký ức tôi vụt nhớ về “cánh diều” đầu tiên tôi sở hữu – món quà một ngày công đi làm của bố.
Hồi ấy quê tôi đang thịnh cái diều phượng hoàng, xanh đỏ đẹp mắt.
Tuổi thơ tôi là những chiều đá bóng, nhảy dây, thả diều, nghịch đủ trò với chúng bạn.
Cái diều phượng hoàng hồi ấy là 35 hay 50 nghìn, tôi nhớ là chỉ một trong 2 khoảng đấy thôi, hình như 50 nghìn thì đúng hơn, và chỉ có nhà bác Loan Cẩn ở đối diện Uỷ ban xã – Đại lý to ở chỗ tôi là nhập về bán.
Thế mà vừa thả được buổi đầu tiên – trúng hôm gió rong bão, tôi tiết kiệm “ngố tàu” bằng cách nối cái dây được tặng kèm với diều cùng với cuộn dây dù mua riêng.
Và đúng như bạn dự đoán đấy, cái cảm giác tự hào, mặt vênh tếch lên giời của tôi chưa được 5 phút đã thoáng xanh thoáng đỏ, méo xệch, mếu máo về báo cáo bố cái tin sét đánh đối với tôi hồi đó:
– Con làm mất diều phượng hoàng rồi…
Diễn biến sau đó thì tôi có bị ăn mắng, của đau con xót mà!
Nhưng rồi hình như ít bữa sau, anh Nam tôi ở Lào Cai về, mua lại cho tôi con diều phượng hoàng khác nên nỗi buồn của tôi lại trôi qua chóng vánh…
Yêu bố và biết ơn bố thật nhiều!
Dù đã lớn lao và “dũng cảm” học được cách gọi Bố yêu ơi, Mẹ yêu ơi, yêu bố mẹ nè, cảm ơn bố yêu mẹ yêu mỗi ngày, tôi vẫn muốn nói điều đó thật nhiều lần, thật nhiều năm nữa!
Yêu Bố yêu Óng Ánh của con!!! (●´ω`●)