“Cháu không cần giàu sang cô ạ, giàu sang thì bố mẹ cháu có quay lại đâu? Nên cháu chỉ ước cả nhà cháu được tụ họp ăn một bữa cơm gia đình như mọi nhà khác thôi, và cháu học giỏi nữa”…
“Chúng mày thì biết cái đéo gì”…
… Cuộc hội thoại một chiều hè gió lộng, tiếng sáo diều ngân nga, cành lá lao xao xào xạc thì thầm cùng gió.
Tôi ngồi võng vờ đung đưa, cố giữ giọng vui vẻ hỏi chuyện dù cổ họng nghẹn lại, mắt cay xè.
Một chiều hè đau đáu buồn, thương, đau…
Một cuộc hội thoại dài với em bé gái, năm nay lên lớp 5.
Em rắn rỏi, cứng cáp, trả lời luôn dõng dạc, tự tin, chắc chắn mà không cần suy nghĩ nhiều.
Dáng đi khệnh khạng quyền uy, tay vung vẩy, mặt hơi nghếch nghếch lên, tiếp chuyện bọn trẻ con lớn hơn vài tuổi đang ngấp nghé ở ngõ “khiêu chiến”.
Điệu bộ tôi vừa quan sát đó trái ngược hoàn toàn với khuôn mặt trẻ thơ đáng yêu, tóc dài tết “chân rết” từ trên xuống rất khéo và đẹp, hàng mi cong và dày, mắt nâu thông minh lanh lợi, lúm đồng tiền duyên dáng, cái môi hơi bong bong lên lúc hăng say nói chuyện với tôi.
– Phương ơi, mới về à, vào cô xem nào tóc tết đẹp thế. Ai dạy cháu đấy?
– Cô không tự tết được à? Cháu học được nhiều điều diệu kỳ lắm.
Cô chỉ cần lên Google, hỏi là (đăm chiêu), à, “những tiện ích cho thế giới” là ra. Cháu học được tết tóc này, gấp quần áo mà không nhăn này, …
– Úi chà, xịn nhỉ, để cô thử. Cháu có thích đánh son không?
– Cháu không – rất nhanh và quả quyết.
– Tại sao? Cô tưởng con gái ai cũng thích bôi tí ti son cho xinh chứ.
– Cháu không thích, vì cháu cá tính.
– Tại sao cháu lại cho rằng cháu cá tính?
– Vì cháu thấy cháu gần giống con trai.
– Nếu có một điều ước, cháu ước gì?
– Cháu ước bố cháu và mẹ cháu quay về với nhau, cả nhà cháu, ông bà, nhà bác C, đều được ăn một bữa ăn tụ họp gia đình.
Đấy là điều ước lớn nhất của cháu.
À, ngoài ra cháu cũng ước học giỏi nữa.
– Ờ, cháu thích học nhất môn gì nào?
– Cháu thích học nhất môn Tin học và Kỹ năng sống.
– Tại sao lại là 2 môn đó thế?
– Tại vì môn Tin tốt cho trí não cháu (chỉ lên trán), môn kỹ năng sống thì cháu được học kỹ năng bảo vệ bản thân.
– Vậy môn gì cháu không thích nhất?
– Cháu không thích nhất môn thể dục, vì cô giáo bắt bọn cháu học 2 3 tiếng không cho nghỉ.
– Ai “dạy” cháu điều ước trên?
– Không ai dạy cháu cả, tự cháu nghĩ ra.
Cháu không cần giàu sang cô ạ, giàu sang thì bố mẹ cháu có quay lại đâu? Nên cháu chỉ ước cả nhà cháu được tụ họp ăn một bữa cơm gia đình như mọi nhà khác thôi, và cháu học giỏi nữa.
– Cháu có thích đọc sách không?
– Cháu có ạ. Cháu thích đọc truyện ngôn tình và mấy truyện cảm động.
[Tôi đang tính hỏi truyện ngôn tình gần nhất cháu đọc là gì, thì một đội trẻ con nữa ùn ùn kéo đến, nô nghịch và hò nhau kiểu bang phái ồn ào quá, nên chưa kịp hỏi cháu].
– Cháu đi ra nhà mẹ 20 ngày có vui không?
– Không cô ạ, cháu chỉ ra một lần thôi. Mục đích chính là cháu ra chơi với Chi, bạn cháu.
Mẹ cháu đi làm từ 6h sáng đến 12h đêm mới về, có hôm tăng ca thì 2 rưỡi đêm.
– Cháu có chờ mẹ về không?
– Cháu thức đến 6h sáng chờ mẹ cũng được. Cháu không buồn ngủ, ở đó nóng lắm, nhiều muỗi nữa, điều hoà thì cứ chập chờn.
– Mẹ có đưa cháu đi đâu chơi không?
– Mẹ cháu bận đi làm, cháu với bà ngoại nhịn ăn sáng cả 20 ngày.
– Thế cháu thích ăn món gì nhất?
– Cháu thích ăn đùi gà rán. Nhưng chắc mẹ cháu không có tiền mua đâu. Đắt.
Cháu ước một ngày bố mẹ cháu quay về với nhau, đưa cháu đi ăn đùi gà rán.
– Cháu có nhớ bố cháu không?
– Cháu có chứ.
– Hồi xưa bố ở nhà bố có đánh cháu bao giờ không?
– Bố cháu có chửi với đánh, nhưng cháu vẫn nhớ bố.
– Ở trên lớp bạn bè có trêu cháu không?
– Chúng nó kì thị cháu. Chúng nó bảo cháu không có bố mẹ.
Cháu bảo: “Chúng mày biết cái đéo gì”. Rồi cháu đấm thằng cầm đầu lớp cháu.
Nó sợ cháu nó phải xin lỗi cháu, vì chị Y dạy cháu võ có thể đạp gãy mạng sườn nó, và cháu đấm nó thì nó ngất đi 2 3 tiếng.
Cháu sợ đến giờ học nó không dậy được nên cháu chỉ đấm nửa lực thôi, không hết lực.
– Cháu đấm như thế nào dạy cô xem nào.
– Đây, cô nắm 2 tay lại, rồi vung ra đằng sau như thế này, cô cẩn thận vì có thể chết người được đấy.
Cháu không muốn đấm chết người vì có thể đi tù.
Dù giờ cháu bé nhưng sau này cháu đủ 18 tuổi sẽ bị bắt đi tù, người ta không tha đâu cô ạ.
– Nhưng giờ cháu không dám đánh thằng cầm đầu nữa, vì nó là con hiệu trưởng, cháu sợ mẹ nó.
– Này, cô bảo, cháu có thể kệ chúng nó trêu được không, không thèm đánh, kiểu cháu không thèm chấp ấy.
*Mặt cháu thoắt trở nên đanh lại, khiến tôi giật mình*.
– Nếu chúng nó cứ trêu cô, rồi đánh cô, cô có chịu được đau mà nhường chúng nó không?
– Ờ nhỉ, thì cô không, cô sẽ đánh trả.
Thế là em thở hắt ra, vẻ mãn nguyện.
– Cháu suýt bị hiếp dâm đấy.
Tôi chồm dậy, làm sao, cô không nghe rõ.
– Ông chồng của mẹ cháu, ông ấy sinh năm 1968, năm nay 57 tuổi. Ông ấy dê lắm. Nhưng cháu khôn lắm.
Lần đầu ông ấy sờ soạng, sờ vú cháu, cháu đã đạp ông ấy và đấm ông ấy choáng ngất ra rồi.
Cháu có thể đạp gãy mạng sườn ông ấy nhưng cháu chỉ dùng nửa lực thôi, cháu sợ ông ấy chết.
– Làm sao ông ấy chết được, đàn ông khoẻ lắm, cháu không nên tự tin như thế, huống hồ cháu bé tí thế này.
*Bĩu môi”
– Người ông ấy cong như con tôm, ốm lắm cô ạ, bệnh tật. Cả ngày chỉ ở nhà trông em cháu thôi.
Mẹ cháu lấy ông ý vì lúc đấy nghèo quá không còn lựa chọn nào khác.
Thằng em cháu cũng bê đê, nó cũng định hiếp dâm cháu nhưng cháu tát cho nó 3 phát đỏ cả má lên.
– Em cháu bao nhiêu tuổi?
– Nó 5 tuổi cô ạ.
– Ai dạy cháu cách bảo vệ bản thân khi thấy ông kia sờ soạng mà cháu gọi là “hiếp dâm”?
– Cháu tự biết, lúc sau ông ấy tỉnh lại ông ấy bảo cháu: Thôi, đi vào ngủ.
– Bà ngoại cháu có biết không?
– Bà ngoại cháu đang ngáy khò khò.
– Thế cháu có kể cho mẹ không?
– Cháu có, mẹ cháu bảo, thôi kệ đi…
Trong cuộc hội thoại hơn 30 phút này, mấy đứa trẻ con cứ líu ríu bên cạnh, Phương lớn nhất – rất ra dáng đàn chị có uy.
Đang nói mà thấy mấy đứa kia làm ồn là em lườm một cái, trật tự liền.
Có lúc tôi bật cười, có lúc tôi tò mò, có lúc tôi chua xót, có lúc tôi hồi hộp, có lúc tôi đau lòng, … cuốn theo câu chuyện của em.
Suy cho cùng, tôi cũng chỉ có thể dắt em đi ăn gà rán, đưa cho em sách em đọc, hay dặn dò em cố gắng học tập, dặn dò em biết bảo vệ bản thân.
Tôi không thể dạy em bớt chửi bậy trong môi trường “đèo xíu” là chuyện bình thường.
Tôi cũng không thể khẳng định với em về một tương lai bố mẹ em chắc chắn sẽ về lại với em, điều ước giản đơn của em trở thành hiện thực…
Tôi cứ thế ngồi đực ra đó, nhìn cô bé lớp 5 nhỏ thó hăng hái vung tay vung chân kể chuyện, lúc trầm lúc bổng, lúc hăng tiết vịt, lúc xụ mặt buồn buồn.
Những từ ngữ “quá già”, “quá đời” so với tuổi của em – trải nghiệm tuổi thơ qua câu chuyện của em dữ dội quá…
Tôi động viên em cố gắng học thật giỏi, học đi cháu, rồi chắc chắn sẽ có nhiều lựa chọn tốt đẹp hơn, những điều tuyệt vời hơn đến với con…
29/6/2024, 18h54