Bây giờ là 3:21’ sáng 8/9/2024.
Lạch cạch gõ trong “ánh nến may mắn” – nếu phải đặt tên cho 2 cốc nến chị chủ nhà để lại (có lẽ vào hôm cúng nhập trạch – tôi vô cùng biết ơn).
Nghĩ đến bọn mỳ tương đen, mỳ trộn, mỳ Hảo Hảo xếp hàng trong tủ, nhưng không có điện, không có nước nóng để xài, tôi nuốt nước miếng, vụt nhớ đến một câu tôi cảm thấy rất … chua xót, bọc lớp áo ngoài nghe … tầm thường mà nhà văn tôi mê đã thốt lên trong “Một bữa no” – tôi mới được gợi nhắc lại gần đây:
“Chao ôi! Nếu người ta không phải ăn thì đời sẽ giản dị biết bao?”…
Ký ức về bão trong tôi không nhiều.
Nằm ở cực Tây của thành phố Hải Phòng, nên thuở nhỏ, nếu như bão về đến quê tôi thì cường độ thường giảm đi ít nhiều so với ngoài thành phố.
Nông dân chính cống, “bão” trong trí nhớ, hay trong ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với “lúa ngoài đồng”, “dột”, “mất điện”, và một từ rất quan trọng là “Trung thu”.
Những liệt kê đầu tiên, liên quan trực tiếp tới mất mát của “người lớn” hơn là lũ trẻ tụi tôi.
Còn “Đêm Trung Thu” là một trong 2 sự kiện lớn nhất năm của đám con nít thời ấy, ngoài Tết.
Chúng tôi được dựng trại, được rước đèn, được phá cỗ, được tập hát tập múa kỳ công, chỉ đợi ngày biểu diễn, háo hức vô cùng!
Thế cho nên cơn bão nào “nhiều duyên” mà tới nhằm đúng ngày rằm tháng 8, là chúng tôi … căm nó lắm!
~~~~^^~~~~
Căn nhà đầu tiên của tôi là một căn nhà lợp ngói, 3 gian, rất phổ biến ở nông thôn.
Căn “phòng” đầu tiên của tôi, tên phổ thông hồi ấy gọi là “buồng”.
Gồm một bàn học nhỏ xíu “thừa kế” của 2 chị gái – hay đúng hơn là thừa kế của bầy mọt – nhiều khi gạt cái đám gỗ li ti mà chúng “thải ra”, tôi tưởng đâu chúng mới là chủ nhân của cái bàn, tôi dùng ké thôi ấy chứ lị!
Bàn học nhìn ra ngõ dài qua những ô thoáng với hoa văn uốn lượn cong cong, lấy sáng.
Tôi vụt nhớ tới hình ảnh bụi tre già, đung đưa trong gió của ông nội trồng ở đầu ngõ, doạ tôi “thần hồn nát thần tính” không biết bao nhiêu lần…
Tiếp đến là chiếc giường trong góc, song song với bàn học (chiếc giường thi thoảng lại được kê lại, thay đổi vị trí – theo trí nhớ của tôi thì là như vậy).
Một tủ quần áo xinh xinh có gương soi toàn thân.
Một ô cửa sổ bé tí hin, nhìn ra sân vườn trước mặt.
Những đêm mưa bão, sau khi cùng bố mẹ hì hục tổng hợp xô chậu hứng dột, lên giường trong trạng thái díu dịu, tôi nghe mẹ rì rầm khấn cầu gia tiên phù hộ cho lúa ngoài đồng không đổ, nhà không sập, …
Tôi bắt chước, chắp tay nhìn qua khung cửa sổ ấy, cũng lầm rầm mong trời đất mưa khe khẽ, ít sấm sét, để năm nay nhà con đừng mất mùa, để nhà con bình an qua cơn bão…
Ký ức ấy, dẫu bao năm, vẫn in đậm trong trí nhớ tôi.
[Nhân tiện, viết đến đây, tôi chợt bật cười khi nhớ đến một người anh – dù mới quen biết nhưng 2 anh em quý mến nhau một cách rất tự nhiên, như thể 2 nguồn năng lượng chung gặp là hút.
Mới hôm xưa đi tiệc, 2 anh em ngồi cạnh, anh bảo tôi:
– Này, em như kiểu lá ngọc cành vàng, khó tiếp cận, khó nói chuyện.
Nên là việc em có người yêu sẽ .. khó đấy nhá.
Lúc ấy tôi phì cười, cũng bối rối nữa, tôi đính chính ngay tắp lự, rằng:
– Em là con nhà nông anh ơi, nông dân xịn.
Mặc dù tôi chuyên Văn, nhưng tất cả những sự nhạy cảm, những quan sát, những thấu cảm của tôi có lẽ xuất phát từ thời thơ ấu, từ những kỷ niệm và trải nghiệm tuổi thơ rất riêng của mình.
Tôi đá bóng, thả diều, đi cấy, đi gặt, tát nước sớm, bắt châu chấu, cào cào, muồm muỗm, đốt đống rơm, câu cá, xúc tép, …
Những ngày 4 giờ sáng, gà vừa mới dậy râm ran gáy ò ó o, tôi đang tuổi ăn tuổi ngủ mà bố lôi dậy đi tát nước róc, tôi quằn quại oằn oại trên giường mãi rồi cũng phải dậy, cau có nhăn nhó thấy sao mà mình khổ ghê!
Thế nhưng nhờ đó, tôi mới biết cảm giác chân không ịn trên bùn đất mát lạnh, tiếng cóc nhái dế mèn kêu èng ẹc, râm ran ầm ĩ, mới được ngắm nhìn những cây mạ non mới cắm thôi mà đẻ nhánh nhanh vù vù, từng đọt béo múp xanh mướt mát.
Ngắm xong, tôi lại quên hết buồn ngủ, hân hoan tự nhủ là nhờ nước mình tát cho chúng đấy!
Chẳng mấy lại vụt làm đòng, lại được hít hà hương lúa non.
Nhờ những ngày vừa tát nước vừa ngáp ngoạc cả mồm miệng, nước mắt thậm chí chảy thành dòng đó, tôi mới có những khoảnh khắc ngồi bệt ở đầu ruộng, lơ đễnh ngắm nhìn những vệt mây xám đen, rồi xám trắng, rồi ửng hồng dần lên, đón những tia nắng đầu ngày xuất hiện.
Cái cảnh đẹp mê mẩn trong ký ức của tôi ấy, còn được gọi là Bình minh, với view Panorama trọn vẹn, khoáng đạt, rộng lớn và tự do.
Nhờ những ngày hè oi ả, đeo xà cạp tay, xà đùi (những vật dụng mà để kiếm từ mô tả lại nó-là-cái-gì, tôi tự nhiên liên hệ với ống tay chống nắng của runners, trekkers bây giờ, quả thực thấy giống nhau, đáng yêu phát phì cười), theo mẹ đi gặt.
Tôi mới biết thế nào là “lúa chín cúi đầu”, mới hiểu được tường tận cảm giác lá lúa cọ vào da thịt có thể xước da chảy máu, và người nông dân làm ra hạt thóc hạt gạo thì vất vả vô cùng!
Nhờ những giọt mồ hôi tí tách rơi xuống đồng, thoảng rớt vào mắt xót cay xè, tôi mới có những khoảnh khắc lao động xong, đợi bố mẹ xếp lúa lên xe thồ – cái xe thô sơ bé ti hin mà giỏi, mà khoẻ, thồ được những gánh lúa nặng trĩu, bất động lặng người ngắm nhìn mặt trời như một viên ngọc đỏ rực – tròn xoe – không tì vết, treo lơ lửng ngay đường chân trời, trước mắt tôi.
Gió hè chiều tà mát rượi, thổi những giọt mồ hôi tan, thổi khô cong những lưng áo ướt đầm nặng nhọc, tôi dán mắt vào vầng mặt trời đang tan dần, rất nhanh, trước khi bị nuốt chửng bởi bóng tối – Hoàng hôn!
Tôi thấy mình may mắn khi được trải qua tất cả những điều đẹp đẽ ấy.
Cơ cực vừa đủ, khốn khó vừa đủ, dạy cho tôi biết trân quý rất nhiều điều từ thuở ấu thơ…
Nên khi nghe anh tôi chia sẻ cảm nhận vậy, tôi ngượng xỉu!
Gốc gác nông dân, ai chơi rồi mới biết tôi nông dân tính như thế nào.]
Siêu bão Yogi – Lấy “cảnh” luyện “Tâm”.
Lần đầu tiên tôi đón bão một mình.
Dùng từ “đón” là vì mọi người dùng thôi, chứ tôi thấy là “bị đón” chứ ai trong tâm thế “đến là đón” với bão bao giờ!
Tôi không về quê với bố mẹ vì một phần tối hôm 6/9, tôi tham dự đám cưới một người anh.
Một phần là vì cửa hàng ngoài này, tôi cũng lo lắng cho mấy em biển bảng chênh vênh trước gió của Shamdi lắm lắm, …
Thế là, tôi đã đón siêu bão Yagi một mình vậy đấy!
Nửa ngày đầu bão chưa về, điện chưa mất.
Tôi thấy nhà cửa chắc chắn – chung cư mà!, tủ thì đầy đồ ăn.
Tôi thấy thong thả thảnh thơi quá, làm một bàn đồ ăn bày trên đĩa hồng dâu bánh bèo, chụp ảnh đón bão.
Qua chính ngọ một chút, điện vụt tắt, gió gào rít điên cuồng, trời mịt mù, trắng xoá vì mưa ào ào trút xuống.
Tôi lạ lẫm với những điều này:
– Cây bật gốc.
– Những túi nilong cuồn cuộn bay lên cao theo gió như những con diều đứt dây không điểm đến.
– Những mái tôn lật đập rầm rầm, những chiếc xe máy chỏng chơ la liệt ngoài đường, đèn hậu vẫn sáng nhấp nháy.
Tôi quả thật tò mò, và có phần … hóng hớt nữa.
Tháo kính, bám thật chắc vào ban công, tôi thò cổ ra ngó nghiêng, quan sát mọi thứ trước mắt mình – từ trên tầng cao cho đến khi tóc ướt nhẹp.
Tôi cứ đi ra đi vào như thế, cho đến khi tâm bão về đến Hải Phòng.
“Mọi thứ bình yên như trong tâm bão” – à, thì ra đây là một kiểu bình yên lừa phỉnh.
Trời vụt sáng choang, 4G vẫn chạy ngon đét, tôi còn thoáng thấy những status trên Facebook, mọi người hỏi:
“Đã hết bão chưa”?
Thế rồi độ 20 30 phút sau, “cuồng phong” mới thực sự càn quét.
Sóng 4G mất kết nối, rồi sóng điện thoại cũng tiêu tùng.
Tôi gọi cho bố mẹ mãi mới kết nối được, mà đầu bên bố mẹ không nghe thấy giọng tôi.
Cửa ban công chốt rồi vẫn bật cả khoá, đập uỳnh uỳnh.
Tôi kiếm được cái dây chằng buộc một cách khổ sở với cái vòi ở bồn rửa bát mà vẫn bị gió giật, dập cho cái móc sắt méo mó xiêu vẹo trông đến tội nghiệp.
Rồi tôi phải lục tìm cái dây tăng xích chằng túi mỗi lần đi tour moto, nối nó lại và siết thật chặt, mới đỡ đi được phần nào.
Loay hoay một hồi, đi vào phòng thì … ố mài ca, lõm bõm như đang lội nước.
Hỡi ôi! Cái cửa sổ chung cư tôi mê đắm ngất ngây, quyết chịu chói tí xíu (thực ra là nhiều xíu), không lắp rèm, nay nó ngấm nước, nó ri rỉ rì ri và chảy ra sàn nhà lênh láng.
Cửa ban công đã nối với tăng xích tốn công mãi mới xong, khó cởi, mà cũng lười cởi nữa…
Tôi đu người lên cửa sổ phòng khách, bắc chân lên nóc máy giặt, vơ lấy cái cây lau nhà kèm chậu vào nhà, vật vã xử lý “ao nước”.
Nguyên chiều tối ngày 7/9, tôi cosplay thành Cô gái Hà Lan… Anh, miệt mài vắt … nước =))).
Mỗi lần cũng đầy ự cái chậu lau nhà chứ có ít đâu.
Vắt đỏ cả tay!
Chăn ga lôi ra chắn hết, chả ăn thua.
Vừa làm, vừa quan sát tâm mình.
Đúng là ở đời phải “Gặp cảnh mới biết được tâm”.
Sống giữa những việc như ý, những người dễ thương tốt bụng hoài, thì muốn làm người xấu cũng khó.
Thi thoảng gặp cảnh như này, cũng là dịp hay để coi cái tâm mình thế nào, nó khởi sinh cái gì, để mà biết hướng “luyện” nó ra sao.
Bão Yagi đã cho tôi gặp cái cảnh “tréo ngoe”, cụ thể là liên tưởng tới tảng đá vĩnh cửu của vua Sisyphus – lặp đi lặp lại một công việc chán ngấy là:
Vắt nước, lau nhà khô ráo xong, chừng 10 phút sau lại … sũng nước.
Thế nhưng không làm không được, vì không có cách giải quyết tận gốc (Vấn nạn chung ở chung cư lúc này – không vỡ cửa kính là may).
Tôi tự hỏi nếu là tôi của ngày trước, thì tôi sẽ như thế nào nhỉ?
Việc phải làm thì vẫn làm thôi, thế nhưng kiểu gì cũng vừa làm vừa cáu kỉnh, bậm bịch mà làm, làm trong tâm thế gượng ép hậm hực.
Vậy mà hôm nay, tôi làm trong tâm thế bình thản lạ kỳ, quy luật cân bằng mà, sáng nay thì rõ nhàn hạ thảnh thơi rồi, chiều phải vất vả thì mới … “đúng”.
Chủ nghĩa khắc kỷ thì tự nhủ, đen nhất là bay cửa sổ, vỡ kính, mà giờ trộm vía chỉ phải dọn nước thôi, mà cũng lau dọn trong nhà, không có gì vất quá cả.
Thế là cứ cặm cụi lau dọn một mình, sau mệt mệt thì vào Sportify xem có podcast nào offline được thì mở ra nghe cho cảm giác “có tiếng người”.
Vậy đấy, gõ tới đây, chợt nhớ tới câu “Sóng gió làm nên những con người mạnh mẽ và bình thản” – của Mr Thông Thái.
Sóng gió cuộc đời là một cái gì đó rất lớn lao với tôi, có lẽ trộm vía tôi chưa từng trải qua.
Nhưng sự học, sự đọc, sự trải nghiệm hay là việc trải nghiệm qua quan sát người khác, qua những câu chuyện được kể, đã giúp cho tôi học được những bài học, giác ngộ ra những điều đưa tôi tiệm cận dần tới một người có nội lực vững vàng, cảm xúc ổn định.
Bây giờ đã là 4:33, gió vẫn rít và mưa thì như trút nước.
8/9 có lẽ sẽ là một ngày dài, nặng nhọc, vất vả với tất cả mọi người.
Nhưng bên cạnh những điều đó, thử quan sát tâm một chút xem, có khi ta đã học được một bài học quan trọng nào đó rồi đấy!
Cầu chúc cho tất cả được bình an!
5:02, 8/9/2024.
Cập nhật 8/9/2024: Sau khi siêu bão Yagi tan đi…
Tôi hức trắng đến sáng.
Trời quang mây tạnh, gió vẫn ào ào.
Tôi đồ rằng mọi người cũng không ngủ, nên sáng sớm đã thấy người người xắn quần lội nước, đạp xe, phi xe phăm phăm “rẽ sóng”.
Ngó ra thấy thời tiết có vẻ ổn, tôi quyết định đi bộ ra Shamdi Hải Phòng coi biển bảng ra sao, đặng an tâm về ngủ cho ngon.
Thế là tôi trùm cái áo phông vô, xăm xắn đeo đôi crocs, nhảy chân sáo xuống 17 tầng cầu thang, rồi bì bõm lội nước 1,5km.
Lúc ấy vẫn sớm, quãng độ 6h30, tôi vừa “đạp gió rẽ sóng”, vừa ngó nghiêng hình ảnh một thành phố rất khác sau bão.
Nhà bị ngập nước thì hối hả tát nước ra.
Người thì chống hông trầm ngâm nhìn bảng hiệu, đèn đóm rơi rụng lả tả.
Tôi thấy những quả trứng gà xanh (lekima) trôi nổi trong dòng nước ngập qua mắt cá chân.
Tôi đi ra giữa đường cho đỡ lụt, tránh vỉa hè có hố hay dây điện…
Mọi người cũng hoan hỷ nhường đường, ô tô xe máy cũng chầm chậm lăn bánh tránh té nước lên những người đi bộ đang khó nhọc nhấc chân di chuyển trong làn sóng nước như tôi.
Đến gần The Tray Hotel, tôi hơi hồi hộp, mấy em biển bảng đấy … không rẻ, nói dại lỡ rơi rụng ra thì hơi mệt…
Thế là lọ mọ thêm mấy chục bước chân nữa, Shamdi của tôi “hiển lộ”.
Mừng húm!!!
Cành phượng nom xác xơ, cửa kính nhà hàng xóm rớt xuống mái cửa hàng tôi, nhưng trộm vía mấy bé vẫn kiên cường trong tâm siêu bão Yagi!
Tôi cảm tạ Trời Phật, cảm ơn các em đã nghị lực trong bão.
Mà không có điện mở cửa cuốn, nên vẫn chưa biết được bên trong thế nào…
Chụp vài tấm hình kỉ niệm, tôi lại lóc cóc đi bộ về.
7:00, mặt trời ló dạng, hoe hoe vài tia nắng rớt rơi xuống nhân gian đang hối hả, vội vã, ngao ngán, phiền muộn.
Thế là cơn bão đã qua.
Cuốc bộ về đến nhà, đói và mệt, tôi bắt tay vào dọn dẹp, căn phòng lại xinh đẹp tinh tươm.
Tính tôi vậy, thích khổ trước sướng sau.
Xong xuôi, tôi lăn đùng ra nệm, ôm gấu hồng ngủ tít thò lò.
Mãi đến 14:00, gọi mãi thấy số của Cá Voi Bố có chuông. Mừng xỉu!
Bố Óng Ánh báo thiệt hại bay mất 2 viên gói ở cửa phòng trên tầng, cây giấy tán tròn của tôi cũng … ra đi.
Tôi buồn trong tích tắc…
Rồi lại tự nhủ bài “hết duyên”, sứ mệnh của em nó đã hoàn thành, sống một đời rực rỡ.
15:32, tôi ngồi gõ trong sự ồn ào từ còi xe, từ những tiếng huyên náo từ ngoài đường vọng lên.
Nhưng tôi vui, vì biết rằng đó là thanh âm của cuộc sống, đó là sự sống, báo hiệu những sự thường nhật đã quay lại chứ không phải là tiếng gió thét gào, tiếng mưa xối xả, tiếng xe cứu hoả, xe cứu thương rú còi suốt ngày đêm…
Cầu chúc cho tất cả mọi người được bình an! <3