Từ review của 1 người anh đi xem suất chiếu sớm, bảo phải kiếm người đi xem cùng, hoặc không thì ngồi chỗ nào khuất khuất 1 tí khóc cho đỡ ngại.
Tôi đã lọ mọ trong đêm đặt ngay suất chiếu đầu của ngày đầu công chiếu, nhét 1 bịch giấy khô và 1 bịch giấy ướt vào túi xách, sẵn sàng để … khóc.
Dù gì thì nước mắt cũng là một phần của cảm xúc mà. Có buồn thì mới hiểu được trọn vẹn niềm vui.
Thế nhưng hết phim lại không khóc. Không khóc được.
Không hiểu đủ để khóc. Không đủ hiểu để khóc.
Gõ đến đây, từ In-yun vụt xuất hiện trong đầu tôi.
Tôi thích từ này (và cũng tin vào điều này).
Tựa phim Muôn kiếp nhân duyên có lẽ link từ tựa sách Muôn kiếp nhân sinh chăng?
“In-yun” tiếng Hàn có nghĩa là “ý trời” hoặc “định mệnh”, có nguồn gốc từ Phật giáo.
Nếu hai người lạ có thể nên duyên vợ chồng, họ tin rằng cặp đôi ấy đã gắn kết với nhau trong hơn 8000 kiếp sống trước đây.
Lúc nghe đến đoạn này, tự nhiên bật cười.
Nhân duyên trùng phùng, chữ Duyên màu nhiệm.
Nghe vất vả quá, 8000 kiếp mới đến được với nhau, thế mà (hết duyên?!) vẫn xa nhau bình thường.
Mạch phim chậm, chậm đến mức có đoạn buồn ngủ díu mắt (cũng vì suất chiếu đầu tiên lúc 12h trưa nữa 😛).
Chậm đến mức có tốp đầu bỏ về sau 25 phút chiếu, và tốp sau cũng lục đục đi về sau khoảng 60 phút (không biết là do vì bận hay vì … chán).
Và cứ như vậy, không có đoạn cao trào nào cả.
Không có mãnh liệt, không có bi thương dữ dội.
Cứ vậy từ đầu cho đến kết phim.
Những mảnh ký ức đan xen, những cuộc hội thoại đời thường nhẹ nhàng phẳng lặng bình an như mặt hồ không gợn sóng.
Rồi trải qua 2 lần con số “12 NĂM SAU” hiện lên trên màn hình, thế là … đèn trong rạp sáng.
Những sự lựa chọn và Được – Mất đằng sau nó tự nhiên quay về ám ảnh tôi mấy hôm nay.
“Hy sinh điều gì đó cũng có nghĩa là sẽ nhận lại được điều gì đó”.
Các nhân vật trong phim siêu thật ý, có lẽ qua 2 lần cái 12 năm là người ta đủ trải nghiệm để hiểu về tâm Xả – chữ chấp nhận, buông bỏ rồi chăng?
Nếu lựa chọn xong rồi mà vẫn dính mắc, vẫn hoài niệm về “giá như, giả sử mình thế này, …” thì có lẽ họ còn đau khổ, ta còn khổ đau.
Và cái kết này thì đúng là như ĐỜI chứ không phải như người ta nói kết như PHIM nữa.
Vì đã lựa chọn, nên cả 3 người họ đều thấu cảm, thấu hiểu cho nhau, chấp nhận và trân trọng hiện tại.
Có điều, người ta nói nhiều về các kiếp sống trước, về đủ Duyên thì nên duyên.
Nhưng còn kiếp sau, kiếp thứ 2, 3, 4, … thì ít thấy.
Thành ra, lòng tôi cứ tiếc nuối nuối tiếc vì thấy mười mươi tình yêu bồi hồi trong mắt họ, vậy mà ở thực tại này, kiếp sống này không đến được với nhau.
Có thể đồng hành cùng nhau trong thời gian ngắn, có thể dài, có thể thoáng qua, có thể có kết nối sâu sắc.
Nhưng nhờ họ, ta học được nhiều điều.
Như một đoạn chia sẻ tôi đã từng đọc, họ giúp ta kiểm chứng và hình dung rõ hơn về con người sau cùng mà ta thực sự muốn ở bên, là người như thế nào.
Và tôi biết ơn họ vì điều đó.
Tôi đề cao giá trị của gia đình và tin vào tầm quan trọng của việc kết hôn với người phù hợp.
Chị tôi bảo tôi quá khó tính, và đôi lúc tôi cũng tự vấn rằng phải chăng đó là cái tâm tham mong cầu nhiều nó đang vận hành?
Các trải nghiệm ở thời điểm này giúp tôi hiểu rằng, không có “Đúng người”, chỉ có phù hợp.
Và quan trọng hơn việc kết hôn với người mà ta yêu, đó là hiểu được cuộc đời này ta muốn sống một cuộc sống như thế nào.
Và ai là người có thể cùng ta cộng hưởng và đồng hành xây dựng cuộc sống ấy.
Vậy nên, câu hỏi ở trên, tôi đã đem hỏi một người có nhiều trí lực hơn tôi, tôi muốn nghe giải đáp và góc nhìn của họ.
Câu trả lời là: Một ý niệm có tính thiện thì không phải là tâm tham.
Có điều đừng để dính mắc, mắc kẹt vào nó.
Muốn gặp được một người như vậy, bản thân mình cũng phải là một người như vậy đã.
Tôi thở phào, dù sao thì, trong hành trình học làm người và trải nghiệm những bài học có lúc rối tinh rối mù này, thì đôi lúc sự cố chấp vì cứ tin vào con đường của mình lại (có vẻ) trở thành đúng đắn.
Gần đây, tôi rất thích trích đoạn này trong bài thơ của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
… “Bởi vì tôi biết sự sống làm bằng sự chết
Cái có làm bằng cái không
Mọi loài tương tức
Tôi và em dung thông”.
Dung thông có nghĩa là: (融通) Dung hợp thông suốt hoàn toàn không trở ngại. Cùng nghĩa với tương tức tương nhập.
Dung thông bằng thấu hiểu, bằng đồng điệu, bằng bao dung, bằng yêu thương!
1/10/2023