Tôi tới Yên Tử du xuân cùng nhóm anh chị em trong Câu lạc bộ Gym vào một ngày gần cuối tháng 3 – đúng dịp lễ hội.
Tương truyền đi Yên Tử 3 năm liên tiếp thì cầu được ước nên, nghe thật hấp dẫn!
Lần đầu tới Yên Tử, tôi đã có chuyến hành hương – ”trekking” đáng nhớ với thời tiết thay đổi liên tục, trải nghiệm nửa tiếng “tắc đường” ở lối lên Chùa Đồng.
1. Non thiêng Yên Tử
Tổng quan về Yên Tử
– Núi Yên Tử (Yên Tử Sơn – 安子山 ), cao 1.068m so với mực nước biển.
– Yên Tử còn có tên gọi là Bạch Vân Sơn – do trên đỉnh núi thường có mây bao phủ.
Nơi đây được coi là “đất tổ Phật giáo Việt Nam”, thuộc dãy núi Đông Triều, nằm giữa ranh giới tỉnh Bắc Giang và tỉnh Quảng Ninh.
– Đây cũng là nơi vua Trần Nhân Tông đã chọn để thành lập dòng Phật giáo đặc trưng của nước ta: Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, sau khi từ bỏ ngai vàng lên núi tu hành.
“Trăm năm tích đức tu hành
Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu”
– Nhờ hệ thống cáp treo Yên Tử được hoàn thiện vào năm 2001, con đường hành hương trở nên đơn giản và thuận tiện hơn rất nhiều.
Do vậy, mỗi dịp đầu xuân năm mới, Yên Tử trở thành điểm đến hấp dẫn hàng năm bởi văn hóa tâm linh, cùng các sự tích về Phật giáo, Phật Hoàng Trần Nhân Tông, An Nam Tứ Đại thần khí.
Với chiều dài 6km cho quãng đường từ chân lên đến đỉnh chùa Đồng với hàng ngàn bậc đá, qua rừng tùng, qua những đoạn gồ ghề trơn trượt, đủ để chứng minh cho lòng thành, tín tâm của những người bộ hành từ xa đến!
2. Hành trình hành hương lên đỉnh Chùa Đồng Yên Tử
Di chuyển bằng ô tô từ Hải Phòng sang “hàng xóm” Quảng Ninh, anh chị em chúng tôi tới khá sớm, 7h30 đã đến nơi.
Mùa lễ hội nên người người từ khắp mọi nơi đổ về. Vừa tới nơi, tôi đã thấy sự “khốc liệt” của việc cạnh tranh dịch vụ :D.
Ai cũng dúi vào tay chúng tôi rất nhiều “name card”, dặn dò nhớ qua ăn trưa nhiệt tình vô cùng.
Mua vé xong, chúng tôi gồi xe điện khoảng chừng 5 phút, loáng cái đã đến cổng chính – rực rỡ với muôn sắc hoa xuân.
Tôi ăn theo chế độ IF 16:8 – Nhịn ăn gián đoạn nên không ăn sáng.
Anh chị đã tới Yên Tử năm ngoái nên cảnh báo tôi cẩn thận đói ngất xỉu :D, mệt lắm đấy!
Tôi cười cười, nghĩ là leo có 6km, các cụ già trẻ nhỏ còn leo phăm phăm nữa là thanh niên trai tráng như tôi :P.
Thế là đúng 8h, anh chị em chúng tôi bắt đầu xuất phát.
2.1/ Quãng đường từ chân núi tới chùa Hoa Yên
– Với 3 chùa chính là chùa Giải Oan, chùa Hoa Yên, chùa Đồng, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình từ suối Giải Oan đến chùa Hoa Yên nằm ở độ cao 534m.
Thời tiết mát mẻ dễ chịu, đoàn có cả trẻ em nên chúng tôi không vội, thong thả vừa đi vừa vãn cảnh.
Cung đường từ nhẹ nhàng trở nên thách thức dần, bậc đá khá dốc, tôi cố gắng bước 2 bậc một, hạ trọng tâm thật thấp cho đỡ mỏi chân chùng gối.
Đến chùa Hoa Yên, chúng tôi dừng lại nghỉ ngơi thăm cảnh chùa.
Bước từng bậc đá, trong không gian linh thiêng nghi ngút khói nhang thơm, tôi ngắm nhìn những cành sứ lâu năm khẳng khiu, những chồi lộc non xanh mơn mởn, lại ngỡ ngàng đứng trước cây Đại cổ hơn 700 năm tuổi, phủ một tầng rêu phong cổ kính đậm dấu ấn thời gian.
Tới đây thì một chị trong đoàn và một em bé thấm mệt nên quyết định đi cáp treo, 3 anh em chúng tôi – “3 chàng lính ngự lâm” lại thong dong lên đường tiếp tục chuyến hành hương.
2.2/ Chùa Một Mái
– Suốt cuộc hành hương, tôi đã đi qua rất nhiều chặng nhỏ với bức tranh cảnh sắc thay đổi liên tục.
Khi thì băng qua rừng trúc xanh ngắt, lá xòe ra như chào đón du khách ở 2 bên đường.
Khi thì đi qua quãng đường với hàng Tùng cao vút, xen kẽ những sắc đỏ, sắc vàng, sắc xanh của hoa cỏ mùa xuân.
Tất cả vẽ nên một bức tranh xuân rực rỡ, song vẫn phảng phất cái phong vị hoang sơ thanh tĩnh của vùng đất linh thiêng tự bao đời.
– Vượt qua chùa Hoa Yên khoảng 200m thì bắt gặp ngôi chùa Một Mái.
Trước đây là động Thanh Long, tương truyền Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông lập am Ly Trần (thoát cõi trần) để làm nơi đọc sách, soạn kinh.
Sau khi đức Điều Ngự viên tịch, am xưa được dựng thành ngôi chùa Bồ Đà, một nửa mái chùa là vòm động, một nửa mái chùa phô ngoài trời nên chùa có tên là Bán Thiên, Bán Mái, ngày nay gọi là chùa Một Mái Yên Tử.
2.3/ 3 tiếng để lên tới Chùa Đồng
– Càng lên cao, gió càng lớn, trời càng lạnh, sương mù giăng giăng bao phủ, mây đen vần vũ như thể sắp mưa.
Tôi lặc lè bước lên từng bậc đá, đói quá bèn sà vào một hàng thịt xiên nướng ven đường. 3 anh em bổ sung thêm ít đạm ít carb cho chắc dạ rồi đi tiếp hành trình.
– Từ chùa Một Mái, chúng tôi tiếp tục đi qua Chùa Bảo Sái – Chùa Vân Tiêu – Tượng An Kỳ Sinh – Bia Phật. Điểm cao nhất của hành trình là Chùa Đồng.
Leo một chặng đường dài, vừa tới nơi, các anh chị đi cáp treo vỗ tay cổ vũ chúng tôi, tự nhiên thấy vui vẻ phấn chấn ấp áp lạ thường.
Trời bắt đầu mưa nặng hạt, mù sương đến độ đứng sát cạnh rồi mà ngước nhìn lên, tôi chỉ thấy Bia Phật ẩn hiện trong sương, không thể nào nhìn rõ.
Mọi người đi cáp treo hay đi bộ thì tới đây là đoạn giao cắt gặp nhau, cùng hành hương tới chùa Đồng.
– Chùa nặng khoảng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Các hoa văn, họa tiết trên đầu đao, bệ mái mang đậm phong cách đời Trần.
Toàn bộ xà ngang, xà dọc đều đúc hình đầu rồng. Bốn đầu chùa hình mái vẩy, trông tựa như hình bông sen đang nở vươn lên.
– Đến chùa Đồng là 11h kém, chúng tôi “Tắc đường” ở đoạn lên chùa Đồng mất 30 phút, gió thổi lạnh buốt.
Lên đến nơi, tôi vào thắp nén nhang thành kính rồi đứng vào góc khuất gió đợi mọi người trong đoàn, ngắm nhìn những người tín tâm, không ngại nặng nhọc mang vô số mâm lễ cồng kềnh, kính cẩn đứng khấn vái.
3. Một vài dịch vụ hay ho khi Du xuân Đỉnh thiêng Yên Tử
– Lúc xuống, cả đoàn ghé ăn phở và thịt xiên nướng nóng hổi ngon tuyệt rồi đi cáp treo về.
Dọc đường cáp treo chạy, tôi thơ thẩn nghĩ đến những đoàn cụ già sùng đạo, lòng thành lên đường hành hương, không quản ngại vất vả, tay nắm gậy trúc, miệng niệm Phật.
Cũng có những em bé nhỏ xíu, cũng đi bộ chậm chậm theo Bố Mẹ, thật trân quý biết bao!
– Xuống đến chân núi đã quá trưa, trời quang đãng sáng sủa.
No bụng, tôi bắt đầu thèm được nô nghịch, đu quay xong, tôi lại cùng em bé trong đoàn đăng ký chơi bắn cung và cưỡi ngựa đi dạo vòng vòng ở sân trước của quần thể Yên Tử.
– Giá vé của Cưỡi ngựa là 100.000 VNĐ/15 phút/1 người.
– Giá vé của Bắn cung là 50.000 VNĐ/1 người/1 bịch mũi tên :D.
Cưỡi ngựa thì cũng không hẳn, gọi là tôi “ngồi trên lưng ngựa” thôi :P, chụp ảnh cho vui chứ không có cảm giác gì đặc biệt.
Còn bắn cung thì nặng thật, tôi vác nó lên, kéo căng được dây cung đã tốn kha khá sức rồi, nhưng thấy cũng thú vị ra trò!
Tạm biệt Yên Tử, về tới nhà lúc 17h, tôi ngó đồng hồ đi bộ được 15404 bước chân, quy đổi ra thì cả hành trình trekking Yên Tử, chúng tôi đi một chiều sẽ là khoảng hơn 10km.
Dù hơi đông đúc nhưng nghĩ lại, tôi vẫn thích cái không khí lễ hội này của Yên Tử.
Cảm giác hòa mình vào dòng người thành kính, chánh niệm trong từng bước chân tạo nên một trường năng lượng kỳ diệu.
Nhất định tôi sẽ đi đủ 3 năm, nguyện cầu cho tất cả mọi người đều sớm thực tập lối sống trong chánh niệm, tỉnh thức, để sống một cuộc đời thật vững chãi, bình an!