Ngày thứ 2 trong Hành trình khám phá Hà Giang 3N2Đ, tôi đã có dịp được lên thuyền thưởng ngoạn vẻ đẹp huyền hoặc của dòng sông Nho Quế.
Màu xanh ngọc lục bảo lấp lánh trong ánh nắng hoàng hôn, như nàng công chúa mơ màng được ấp ủ ôm trọn bởi 2 cánh tay chữ V khổng lồ của chàng lực sĩ cơ bắp mang tên Tu Sản!
1. Tất tần tật về sông Nho Quế
1.1/ Thông tin về sông Nho Quế
– Năm 2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xếp khu vực này là Di tích Danh lam thắng cảnh Việt Nam.
Sông Nho Quế được vinh danh là một trong những Thung lũng Kiến tạo độc nhất vô nhị của đất nước hình chữ S.
– Theo Wikipedia, sông Nho Quế là một phụ lưu của sông Gâm.
Sông bắt nguồn từ Trung Quốc có tên là sông Nam Lợi hay còn gọi là sông Phổ Mai.
– Từ vùng núi Nghiễm Sơn (Vân Nam, Trung Quốc) cao 1.800m, Sông Nho Quế Hà Giang chảy theo hướng Đông Bắc, qua núi rừng hoang vu hiểm trở, đổ vào xã Lũng Cú, Đồng Văn để vào Việt Nam.
Trong suốt 192km chiều dài, dải lụa xanh biếc ấy đã “gửi mình” 46km tại Việt Nam, tiếp tục xuôi dòng qua hẻm núi Tu Sản, dọc theo Mã Pí Lèng.
Khi đến Mèo Vạc thì tách làm hai nhánh và chảy sang địa phận tỉnh Cao Bằng, cuối cùng hòa vào dòng nước của sông Gâm tại ngã ba Nà Má.
1.2/ “Truyền thuyết” về sông Nho Quế
– Chuyện rằng, khi quả núi vẫn còn nguyên vẹn, nước từ trên núi chảy xuống bị đọng ứ lại nhiều.
Bên này núi, nước ngày càng dâng cao, còn sườn bên kia quả núi vì chưa có sông, đất lúc nào cũng nứt toác, khô cằn, cỏ cây ủ rũ héo úa.
– Một ngày nọ, thần Sông có “lời ngỏ”, đề nghị thần Núi nằm xích qua một bên để dòng nước thoát ra, tưới mát cho những vùng khô hạn.
Nhưng thần Núi cứ nằm im, giả vờ không nghe thấy.
– Thần Sông bèn thưa với Ngọc Hoàng.
Ngọc Hoàng ra lệnh cho thần Núi tránh sang một bên nhưng không hiểu vì lý do gì, thần Núi vẫn tiếp tục giả vờ ngủ, bỏ mặc vùng đất khô hạn.
– Vào một đêm mưa gió, thần Sét được lệnh rút gươm rạch đôi quả núi.
– Sau tiếng nổ vang vọng rung chuyển cả đất trời, thần Núi vỡ đôi.
Nước bên này núi tuôn xối xả. Dòng nước đi tới đâu, cỏ cây được hồi sinh xanh tốt tới đó.
Qua một đêm, bên sườn núi khô cằn đã phủ kín một màu xanh mượt mà.
Từ đó, nước cứ xuyên qua đá núi sừng sững, chảy mãi, tụ thành dòng sông Nho Quế, chia đôi đèo Mã Pì Lèng với dãy núi Săm Pun.
Quả đúng là nhờ có sông Nho Quế, người dân địa phương ở đây có nước để tưới tiêu, có nơi để đánh bắt thủy hải sản, cải thiện bữa ăn.
46km chảy tại địa phận Việt Nam, sông Nho Quế mang đến những giá trị đặc biệt cho vùng đất Hà Giang nói riêng và cho cả Việt Nam nói chung.
1.3/ Con đường Hạnh Phúc để tới được dòng sông Nho Quế
Trong lúc tìm hiểu về sông Nho Quế, tôi đọc được những thông tin giá trị này.
Lòng thầm cảm phục và thêm biết ơn thật nhiều tới những hi sinh thầm lặng của hàng ngàn những người anh hùng ngày ấy, bèn quyết định lưu lại tại đây.
– Ngày ấy, giải phóng Điện Biên đã được 5 năm, hơn 8 vạn người sinh sống ở phía sau “cổng trời” vẫn chìm trong đói nghèo và lạc hậu, bởi giao thông đi lại khó khăn vô cùng.
– Trung ương đã quyết định mở con đường Hà Giang – Đồng Văn – Mèo Vạc.
Công trường khởi công ngày 10/9/1959, thông xe ngày 10/3/1965 với tên gọi đường Hạnh phúc.
Con đường huyền thoại dài gần 200km xuyên qua cao nguyên đá Đồng Văn, qua đỉnh Mã Phí Lèng…
– Đó là huyền thoại về sức trẻ của thanh niên 16 dân tộc anh em thuộc các tỉnh Cao- Bắc- Lạng- Hà- Tuyên- Thái ngày trước và cả Nam Định, Hải Dương suốt 8 năm trời ròng rã với hơn 2 triệu ngày công.
– Đặc biệt ở dốc Mã Pí Lèng – nóc nhà của vùng cao nguyên đá, công nhân đã phải treo mình suốt 11 tháng, dùng sức người và mìn để phá đá mở đường.
Không ít người đã hy sinh, trả giá bằng máu và nước mắt để chúng ta được đi trên con đường Hạnh phúc ngày hôm nay!
– Hơn 1.000 thanh niên xung phong, 1.200 dân công của 8 tỉnh, thành với hơn 2 triệu ngày công cùng sự trợ giúp của 900.000 tấn thuốc nổ, suốt hơn 8 năm ròng rã để tạo nên một con đường nối từ Hà Giang đến Mèo Vạc.
Vô cùng cảm phục và biết ơn!
Xin được cúi đầu bày tỏ sự tri ân chân thành và sâu sắc nhất!
2. Sông Nho Quế trong tôi là
Sau khi tới bãi đậu xe, 2 chị em tôi sà vào hàng ghế chờ xe điện trung chuyển xuống bến thuyền, ăn vặt no nê.
Ngồi xe điện độ dăm mười phút, xúng xính váy áo lên thuyền, chị em tôi bắt đầu xuôi dòng thưởng ngoạn sông Nho Quế.
Mặc dù màu nước xanh độc đáo này tôi đã gặp vô số lần, như nước 2 màu trong hang Én, màu nước xanh biếc trong veo trong vắt của dòng sông ngầm trong chuyến Thám hiểm Sơn Đoòng 5N4Đ, tôi vẫn không hết ngỡ ngàng trước dải lụa mỏng mảnh tuyền một màu xanh của ngọc lục bảo.
Những con thuyền chở du khách cứ lững lờ trôi, ngắm bằng mắt thường không đã, ai cũng vội vã chụp ảnh, quay video thật nhiều như muốn lưu giữ lại vẻ đẹp hùng tráng nơi miền cao nguyên đá.
Sửng sốt nhất, ấy là tôi vừa rời mắt khỏi khung cảnh trước mặt, đang chăm chú dán mắt vào màn hình xem chùm ảnh Hàm Hương công chúa vừa chụp, chợt thấy bác tài chầm chậm lại rồi dừng hẳn, hô “Mọi người ra trước mũi thuyền chụp ảnh đi”.
Ngơ ngác ngẩng đầu lên, tôi há hốc.
Mọi người quanh tôi suýt xoa, đẹp quá, hùng tráng quá, chụp ảnh lẹ!!!
Nếu như có một chiếc Flycam nào đó đang bay tà tà trên trời cao mà chiếu thẳng xuống nơi đây, tóm gọn lấy khoảnh khắc này, hẳn là con thuyền của chúng tôi y hệt một chiếc lá tre, thong dong trôi trên một “lạch nước” mỏng mảnh có màu xanh ngọc đẹp tuyệt tác.
Rồi bỗng nhiên, lạch nước ấy bắt gặp một cánh cửa khổng lồ hình chữ V chặn lại tất cả những ánh nắng đang rọi từ trên cao xuống, cánh cửa ấy mang tên hẻm Tu Sản.
Bên này dãy Mã Pì Lèng như nhô ra cản nắng lại, bên kia dãy Săm Pun cũng hưởng ứng theo.
Hai dãy núi phối hợp với nhau tạo nên bức thành kiên cố cao gần 900m hiên ngang, vời vợi, làm những người du khách trên thuyền, không biết vì không có nắng, ở trong bóng râm cùng với gió hun hút thổi từ hẻm ra chợt lạnh đến rùng mình, hay do vì khung cảnh trước mắt hùng vĩ quá, siêu thực quá, khiến con người ta bất chợt sinh cảm giác kính cẩn chăng?!
3. Hẻm Tu Sản
Tò mò ngồi mày mò google thêm về hẻm Tu Sản, tôi lại “lùng” ra nhiều thông tin thú vị.
– Hẻm vực nằm giữa hai vách núi trên sông Nho Quế, thuộc khu vực đèo Mã Pì Lèng, nằm giữa huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc.
– Để đến hẻm Tu Sản, có thể đi theo quốc lộ 4C, qua thị trấn Đồng Văn khoảng 4km, rẽ xuống đường mòn bản Tà Làng, Pải Lủng để tới bến đò.
Cung đường này dài khoảng 8km, độ dốc lớn, với hơn 47 khúc cua tay áo liên tiếp.
– Điểm độc đáo của hẻm vực Tu Sản ở chỗ, hai bên là vách núi thẳng đứng, chiều cao vách đá lên đến 1.500m, dài khoảng 1.7km, sâu gần 1.000m.
Dưới chân núi đá do nước chảy lâu năm đã tạo thành những hốc đá, nhũ đá nhiều hình thù đẹp mắt.
Tạm biệt sông Nho Quế, tôi ấp ủ dự định sẽ quay lại Hà Giang vào một ngày gần nhất, mặc áo dài hoặc cổ phục Việt, chụp những bức hình thật đẹp bên dòng sông lấp lánh – vừa hùng vĩ, vừa mộng mơ!
Sông Nho Quế, 1/1/2023.
Comment