Một ngày thu giữa tháng 9, tôi bí mật lên kế hoạch đưa bố mẹ đi du hí Combo cho Gia đình kinh điển: Đà Nẵng – Hội An – Huế.
Đi với bố mẹ, tôi mới thấy mình có khả năng vừa là planner, vừa là photographer, vừa là tour guide riêng của 2 “Khách hàng” VVIP!
1. Ngày 1: Hải Phòng – Đà Nẵng:
Lang thang chợ Cồn, ăn hải sản Làng Cá, du thuyền sông Hàn buổi đêm
Tôi book chuyến bay lúc 10h30, Cát Bi – Đà Nẵng.
Bao nhiêu năm đi làm xa, muốn book tour cho bố mẹ đi nhưng bố mẹ nhất định đợi tôi về, nên đây là lần đi máy bay đầu tiên của bố mẹ.
Tôi hạnh phúc ngắm nhìn 2 cụ chỉ nhau mây giăng chờn vờn qua ô cửa sổ, thì thầm thảo luận về những quan sát xung quanh.
Sau đó, để bố mẹ tự nhiên nói chuyện, chợp mắt nghỉ ngơi, tôi đọc nốt cuốn Giận của Sư ông Làng Mai trên Kindle, đoạn này hay quá, tôi chụp lại.
Vèo cái tới nơi đã là 12h30, cả nhà đói meo meo.
Tôi book taxi tới hàng bánh xèo nem lụi như review, nhưng anh taxi giới thiệu tôi ra hàng này.
Đồ ăn tạm ổn, song dịch vụ thì không được nhiệt tình lắm.
Tôi đưa bố mẹ về khách sạn nghỉ ngơi, sẵn sàng cho hành trình hơi dài hơi mấy ngày sắp tới!
– Tôi book phòng gia đình ở Golden Lotus Hotel – Khách sạn 4 sao khá ổn.
Vị trí thuận tiện, đi bộ ra biển được.
Dịch vụ chu đáo, siêu nhiệt tình, buffee sáng rất ngon!
Cả nhà ra chợ Cồn ăn quà chiều. Nơi đây đúng là thiên đường với mỏ khoét ăn vặt như tôi!
Cả nhà sà vào gọi 3 cốc kem bơ. Bố mẹ tôi cứ tấm tắc khen mãi.
Cái thức quả đáng ghét thật! Vừa ngon vừa bổ T.T.
Dạo chơi chán chê, cả nhà về lên bể bơi tắm, chuẩn bị đi ăn tối.
1.1/ Hải sản Làng Cá
– Nhà hàng này xứng đáng 10/10 điểm.
Vị trí địa lý, chất lượng đồ ăn, dịch vụ, … tất cả đều hoàn hảo.
– Dịch vụ chuyên nghiệp và nhịp nhàng từ khâu đón khách ở taxi xuống, rồi dẫn qua quầy tươi sống chọn đồ, tư vấn các món, cân đồ, lên bill và đợi chế biến.
Mặc dù đông nghịt khách, song nhà tôi không phải đợi lâu.
– Đồ ăn ngon, hợp khẩu vị, nhân viên phục vụ rất dễ thương.
Tôi không có phút giây nào lấn cấn hay khó chịu trong cả quá trình dùng bữa tại Làng Cá cả.
Bố mẹ vui vẻ enjoy bữa tối dù no xỉu, vì tôi hay tham lam gọi nhiều quá :3.
1.2/ Du thuyền sông Hàn ngắm thành phố về đêm
– Giá vé của dịch vụ du thuyền đều same same như nhau, khoảng 150.000 VNĐ/1 slot.
Tôi book trên Traveloka được giảm khoảng 10%.
– Vé bao gồm nước uống, múa Chăm pa trên thuyền.
– Cả nhà chờ khoảng 15 phút, sau đó xếp hàng lên thuyền, khởi hành lúc 21h.
Lênh đênh 1,5 giờ đồng hồ, du khách được thưởng ngoạn những cây cầu nổi tiếng nhất Đà Nẵng như: Cầu Rồng, cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Tình Yêu, cầu bán Nguyệt…
Gió buổi đêm mát rượi, những cây cầu đèn điện lung linh, đèn từ thành phố cũng lung linh.
Tôi rủ 2 bố mẹ ra boong tàu, cả nhà lặng ngắm thành phố về đêm.
22h30, tôi đưa bố mẹ ra cầu Tình yêu, chụp cho đôi uyên ương mấy bức hình xinh đẹp.
Tự nhiên lòng man mác buồn, … lúc ấy, thấy người ta nắm tay nhau chụp ảnh, lần đầu tiên trải nghiệm cảm giác không-có-người-yêu mà cô độc đến thế.
2. Ngày 2: Lêu hêu Bà Nà Hill
Bà Nà Hill tôi đã đến 2 năm trước, mọi thứ vẫn vậy, thành ra lần này, tôi cam tâm tình nguyện tận tụy chuyên tâm làm tour guide kiêm phó nháy, chụp cho bố mẹ thật nhiều ảnh đẹp.
Thời tiết vẫn mát mẻ như nơi này vốn vậy, không khí vẫn sôi động náo nhiệt chẳng cứ ngày cuối tuần, người đông nghìn nghịt.
Bố mẹ tôi trộm vía khỏe thật, đi bộ không biết mỏi, cái máu thích khám phá trải nghiệm chảy rần rần trong tôi đúng là … có gen rồi :)))
Trong lúc dạo chơi trong công viên Fantasy, tôi đã “ủn mông” bố mẹ “Xõa hết mình” với tôi.
Sau đó, phát hiện ra bố mẹ quẩy nhiệt hơn mình :)))
Tôi với mẹ chơi đập chuột, rồi nhảy tưng bừng.
Rồi rủ rê bố chơi phi công Skiver – cái trò vòng xoay cũng khá … tiền đình nữa.
Trộm vía thật may mắn bố có trái tim khỏe mạnh, hết 2 phút, bố kể với mẹ sợ nhắm tịt mắt 😀
Đáng yêu quá, tôi phì cười :v, vì khúc đầu bố rủ, mẹ sợ không chơi.
Bố bảo “Muỗi”, để tớ chơi cho mà xem!
Thế là trong video mẹ quay ở khúc cuối, mẹ cười bố thối mũi, há há :>>.
3. Ngày 3: Hội An – Huế
Xuống sảnh dùng bữa sáng zui zẻ xong, cả nhà tôi được Hiền xế đến Hội An.
Hội An đẹp mà … nắng quá.
Cả nhà ghé vào The Chef Hội An ở 166 Trần Phú tránh nắng, ngắm Hội An từ trên cao.
Ban đầu tôi dự định ở Hội An chơi 1 ngày 1 đêm. Sau quyết định thay đổi kế hoạch.
Thưởng thức xong cơm gà Bà Buội chính hiệu (không ngon lắm T.T), nhà tôi ù té đi Huế luôn.
Hẹn đi dạo Hội An buổi đêm vào một dịp khác vậy ^^!
Nắng đến mức mà một người FOMO không nhẹ lắm như tôi cũng phải mê mẩn thần tử tìm chỗ trú!
Không thiết tha gì đi ngắm cảnh nữa :>>.
Cả nhà nghỉ ngơi ở hàng cafe này tận gần 1 giờ đồng hồ mới “hoàn hồn”.
Tôi đã ăn cơm gà Bà Buội ở Hà Nội, thành thật mà nói thì hình như, nó còn … ngon hơn ở Hội An.
Giá cả thì không mắc, có điều vị nó cứ không được trọn vẹn sao á, …
Bố mẹ đều chung cảm nhận với tôi.
Ăn xong, cả nhà lên xe, rút quân đến Huế.
Đến Huế lúc 15h chiều, check-in phòng ở Orchid Hotel xong, cả nhà tôi lang thang đi ăn chè Huế, rồi book vé đi thuyền nghe ca Huế trên sông Hương.
Nhân tiện, khách sạn này 10/10 về vị trí địa lý và dịch vụ.
Nằm ở ngay phố đi bộ, vô số hàng quán hay ho xung quanh.
Nhân viên dịu dàng dễ thương dễ mến.
Bún bò Huế tôi thử mấy hàng nổi tiếng trong review thực sự còn không ngon bằng bát bún bò mà đầu bếp ở khách sạn làm.
Cả nhà tôi đều xuýt xoa vì ngon đỉnh chóp luôn ấy!
Khách sạn này tôi book trên Traveloka, nhưng lúc check-in mới thấy nơi đây nhận được vô số cúp từ Tripadvisor với gần 3000 lượt đánh giá.
Ca Huế trên sông Hương
Có một điều, tôi cứ lấn cấn trong lòng mãi.
Các ca nương mặc áo dài rất đẹp, giọng hát rất hay.
Song gương mặt và biểu cảm của họ thì gần như … vô cảm, mệt mỏi, kiểu hát cho nhanh còn về ý.
Thành ra, tôi vừa thương mà cũng thấy buồn, nếu đặt cảm xúc vào bài hát thì có lẽ mọi thứ trọn vẹn hơn, cho cả du khách trong nước lẫn nước ngoài được thưởng thức “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” mình!
Bố mẹ tôi vốn đều yêu âm nhạc, nên hơn 1 tiếng trên thuyền Rồng nghe ca Huế, bố mẹ thích lắm!
– Giá vé: 150.000 VNĐ/ 1 người lớn.
4. Ngày 4: Đi Tour trọn ngày
Đại Nội Huế; Lăng Vua Khải Định, vua Minh Mạng và Làng Hương Thủy Xuân
4.1/ Buổi sáng: Tham quan Đại Nội Huế
Tôi book tour nguyên ngày với đơn vị liên kết do Orchid Hotel giới thiệu.
Hướng dẫn viên 10 điểm tiếp, vui vẻ, hài hước, takecare mọi người khá kỹ, khối lượng kiến thức thuyết minh đồ sộ.
Thú thật, dù 3 năm học khối D, rồi chuyển ngoặt sang thi khối C, cày hết quyển Sử, điểm thi đại học cũng ổn áp lắm.
Ấy vậy mà bẵng đi 4 5 năm, tôi quên sạch T.T.
Tôi quyết định đi google thêm về Hoàng Cung – Đại Nội Huế, lưu lại vào bài viết này để sau này dễ dàng tìm đọc lại!
– Địa danh này là một trong những di tích lịch sử thuộc quần thể di tích cố đô Huế, được xây dựng và bảo tồn từ thời đại nhà Nguyễn.
– Di tích nằm ngay bên bờ sông Hương thơ mộng, thuộc đường 23/8, phường Thuận Hòa, thành phố Huế.
– Được xây dựng từ đầu thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20, nơi đây lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc sắc của triều đình phong kiến.
– Đến năm 1993, nơi đây được UNESCO công nhận là di sản Văn Hóa Thế Giới.
– Quá trình xây dựng công trình kéo dài tới 30 năm với những công việc như lấp sông, đào hố, lắp thành,…
– Để làm nên công trình đồ sộ này, triều Nguyễn phải huy động hàng vạn người nhân công cùng, cùng khối lượng đất đá khổng lồ lên đến hàng triệu mét khối.
– Cụm di tích bao gồm Hoàng Thành (nơi vua thiết triều) và Tử Cấm Thành (nơi sinh hoạt của vua và hoàng tộc).
Ngoài ra, mỗi khu vực còn có nhiều công trình nổi tiếng khác như Điện Thái Hòa, Cổng Ngọ Môn, Điện Cần Chánh,…
Cả Hoàng cung rộng vô cùng, tôi nghĩ nếu có bản đồ nhỏ cầm ở tay thì du khách sẽ dễ hình dung hơn.
Cổng Ngọ Môn
– Cổng Ngọ Môn, còn gọi là cửa Ngọ Môn, không chỉ đơn giản là cổng ra Đại Nội, mà còn được thiết kế với nhiều lớp bảo vệ và hệ thống hào nước xung quanh.
– Cổng Ngọ Môn nằm ở khu vực Hoàng Thành Huế, nhìn về phía Nam kinh thành và phóng tầm mắt ra xa là dòng sông Hương thơ mộng.
– Cổng gồm 5 cửa, trong đó cửa chính ở giữa chỉ dành cho vua và 2 cổng bên cạnh dành cho quan văn và quan võ.
Còn lại, 2 cổng ngoài cùng là dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu vua.
– Phía trên cổng là Lầu Ngũ Phụng làm từ gỗ lim chắc chắn và được chia làm 2 tầng.
Du khách khi đến đây sẽ ngỡ ngàng trước 9 bộ mái được chế tác tinh xảo, trong đó, mái giữa được lợp màu vàng và 8 ngói còn lại là màu xanh.
Vào thời Nguyễn, Lầu Ngũ Phụng là nơi tổ chức các lễ lớn của hoàng tộc.
Điện Thái Hòa
– Điện Thái Hòa cũng nằm trong khu vực Hoàng Thành và biểu tượng cho quyền lực của Hoàng triều nhà Nguyễn.
Đây là công trình quan trọng bậc nhất trong quần thể di tích Đại Nội Huế, nơi diễn ra các buổi thiết triều quan trọng của triều đình nhà Nguyễn.
– Chất liệu chính được sử dụng là gỗ lim với phần mái và cột được điêu khắc tỉ mỉ. Ở chính giữa điện là ngai vàng của Vua.
– Đến đây, tôi chợt nhớ đến chi tiết thú vị anh Hướng dẫn viên chia sẻ.
Tên gọi Tử Cấm Thành ở Đại Nội Huế không giống với Tử Cấm Thành bên Trung Quốc.
– Năm Minh Mạng thứ 3 (1822), Cung Thành đổi tên là Tử Cấm Thành, nghĩa là “Tòa thành cấm màu tía”.
Theo nghĩa Hán tự, chữ Tử có nghĩa là màu tím, dựa theo thần thoại về chòm sao Tử Vi Viên trong thiên văn cổ phương.
Đại Cung Môn
– Đại Cung Môn là cửa chính vào Tử Cấm thành, gồm 3 cửa và 5 gian, được vua Minh Mạng xây dựng vào năm 1833.
– Đại Cung Môn được làm hoàn toàn bằng gỗ, với phần ngói hoàng lưu ly lợp ở phía trên.
Tuy nhiên, công trình đã bị phá hủy trong chiến tranh và đang được nghiên cứu để phục dựng lại.
Tả Vu và Hữu Vu
– Tả Vu và Hữu Vu được xây dựng từ đầu thế kỉ 19 và nằm đối diện điện Cần Chánh.
Tòa Tả Vu được xây dựng cho các quan võ trong triều và tòa Hữu Vu là nơi dành cho các quan văn.
– Đây là nơi chuẩn bị các nghi thức quan trọng trước buổi thiết triều, cũng là địa điểm tổ chức các cuộc thi Đình hay yến tiệc của hoàng gia.
– Hiện nay, Tả Vu được dùng để trưng bày hiện vật lịch sử, còn Hữu Vu trở thành nơi khách du lịch đến tham quan và chụp hình.
Điện Cần Chánh
– Cung điện này là nơi vua thiết triều, nằm thẳng với Điện Thái Hòa về hướng Bắc Nam.
Cung điện này có kết cấu gỗ đồ sộ và phong cách kiến trúc đẹp nhất trong Tử Cấm Thành.
Đặc biệt, các cột gỗ lim và phần khung phía trên đều được chạm khắc vô cùng tinh xảo, công phu.
Thái Bình Lâu
– Thái Bình Lâu cũng nằm ở khu Tử Cấm Thành, là nơi đây vua thường đọc sách, viết văn hay ngâm thơ lúc rảnh rỗi.
– Khu vực này được vua Khải Định cho khởi công xây dựng vào năm 1919 và hoàn thành vào năm 1921.
– Công trình bao gồm tiền sảnh, chính doanh và hậu doanh, được nối liền với nhau bằng hai máng thoát nước.
Phía trước tòa nhà có khắc 3 chữ “Thái Bình lâu” và hai bên có khắc hai bài văn do vua Khải Định ngự chế.
– Phần kiến trúc đặc biệt nhất của tòa nhà là chính doanh, ngôi nhà 2 tầng cao 9.55m.
Phần mái được lợp bằng ngói âm dương tráng men vàng, tượng trưng cho Ngũ Phúc và hai bên nóc có đắp nổi hình hồi long đầy uy lực.
Mất 2,5 tiếng để khám phá sơ bộ quy mô của Đại Nội Huế.
Sau đó, cả đoàn di chuyển tới chợ Đông Ba chơi – địa danh này tôi thuộc nằm lòng vì hồi bé tí bố tôi yêu bài “Mưa trên phố Huế” vô cùng, nghe nhiều nên tôi thuộc, ngày cấp 1 hát karaoke bài này suốt :>>.
Dịch vụ tour này chất lượng thật.
Cả đoàn dùng bữa trưa ngon tuyệt, toàn những món thuần Huế. Bố mẹ tôi thích lắm!
Cả đoàn được ngâm chân, mời trà, nghỉ ngơi một lúc trước khi tham quan những điểm tiếp theo.
4.2/ Buổi chiều: Tham quan lăng vua Minh Mạng, lăng vua Khải Định và làng nghề cổ truyền ở Huế
Lăng Vua Minh Mạng
– Khuôn viên lăng mộ vua Minh Mạng nằm trên đỉnh núi Cẩm Khê, tại nơi giao thoa của hai dòng Hữu Trạch và Tả Trạch Sông Hương, cách trung tâm thành phố khoảng 12 km.
Theo ghi nhận của sử sách thì ngọn núi này đã được đích thân vua Minh Mạng lựa chọn, sau đó nhiều lần chỉnh sửa rồi mới phê chuẩn thiết kế lăng mộ do các quan lại dâng lên.
– Lăng vua Minh Mạng được các nhà sử học đánh giá có vị trí phong thủy rất đẹp, có núi, sông, hồ, không gian thoáng đãng và yên tĩnh.
– Tương truyền, mất tới 14 năm tìm kiếm vị trí thích hợp xây lăng, cuối cùng vua Minh Mạng đã chọn núi Cẩm Khê với địa thế và cảnh vật ưng ý để xây nên công trình cuối cùng của đời mình.
Vua đổi tên ngọn núi thành Hiếu Sơn và gọi lăng tẩm của mình là Hiếu Lăng.
– Tháng 4/1840, quá trình xây lăng mộ vua Minh Mạng chính thức bắt đầu.
Tuy nhiên đến tháng 1/1841 thì vua băng hà khi lăng chưa xây xong.
– Sau đó, Vua Thiệu Trị lên ngôi, huy động 10.000 lính làm việc ngày đêm để hoàn thành công trình dang dở này.
– Đến năm 1843, Hiếu Lăng được hoàn thiện, thi hài vua Minh Mạng được đưa vào tẩm điện để an nghỉ.
Vua Minh Mạng (1791 – 1841)
– Ông là con trai thứ hai của vua Gia Long (Nguyễn Ánh).
Sách “Chín đời chúa mười ba đời vua triều Nguyễn” viết, sinh thời vua Gia Long có ý định truyền ngôi cho người con trưởng là hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh.
Nhưng hoàng tử Cảnh chẳng may qua đời sớm nên Phúc Đảm được chọn thay thế.
Sau khi vua Gia Long qua đời, tháng 12/1820 Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Minh Mạng, ông trị vì triều Nguyễn trong 21 năm (1820 – 1841).
Thời gian đó, vua Minh Mạng đã xây dựng quốc gia hùng cường, đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực.
– Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn do ông Nguyễn Viết Kế biên soạn có viết, khi nghỉ ngơi vua có 5 bà vợ hầu hạ.
– Danh sách này thống kê, vua Minh Mạng đã ăn nằm với 43 phi tần, sinh hạ được 142 người con.
Trong đó có 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Ông cũng là vị vua có nhiều phi tần và đông con nhất trong số 13 vua triều Nguyễn.
– Khuôn viên lăng vua Minh Mạng có tổng diện tích 18ha, bao gồm 40 công trình được bố trí đối xứng nhau, thiết kế như một người đang nằm nghỉ ngơi, đầu gối lên núi Kim Phụng còn chân duỗi thẳng ra ngã ba sông Hương.
Đại Hồng Môn
– Là cửa chính của lăng mộ vua Minh Mạng.
Cổng được xây nên từ loại vôi gạch, sơn màu đỏ rực rỡ, trang nghiêm.
– Đại Hồng Môn chia làm 3 lối vào, 24 mái lá được trang trí cá chép hóa rồng và long vân vô cùng tinh xảo.
– Tôi nhớ nhất chi tiết anh HDV thuyết minh:
Cửa lớn ở vị trí trung tâm của Đại Hồng Môn từ khi được xây dựng đến nay chỉ mở một lần duy nhất để đưa quan tài của vua Minh Mạng vào lăng.
– Còn sau đó, dù là các bậc đế vương đến dâng hương tại đây cũng chỉ đi vào bằng hai cổng phụ hai bên là Tả Hồng Môn và Hữu Hồng Môn.
– Bước qua Đại Hồng Môn, ta sẽ vào tới khoảng sân rộng được lát bằng loại gạch Bát Tràng có tên gọi là Bái Đình.
– Sân đặt hai hàng tượng quan văn và quan võ rất uy nghiêm, ngoài ra còn có voi ngựa khắc bằng đá đứng chầu.
Đây là biểu tượng của những tướng tài canh giữ lăng vua Minh Mạng để ông được yên nghỉ ngàn thu.
Bái Đình còn đặt một bia đá lớn là Thánh Đức Thần Công, được vua Thiệu Trị viết nên để ghi nhớ những công đức và đóng góp của vua cha cho giang sơn xã tắc.
Minh Lâu
– Có ý nghĩa là lầu sáng – Nơi để nhà vua ngồi ngắm trăng và thưởng cảnh trong những đêm trăng thanh gió mát.
– Tòa Minh Lâu tại lăng mộ vua Minh Mạng được thiết kế hình vuông, gồm hai tầng và tám mái, xây trên đồi Tam Đài Sơn, sau lưng là vườn hoa chữ Thọ.
Tẩm điện của Lăng Minh Mạng chia làm hai phần là Hiếu Đức Môn và điện Sùng Ân.
– Nơi đây là khu vực thờ cúng bài vị của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu.
– Tiếp tục đi theo 17 bậc thềm đá để vào Hoằng Trạch Môn, dẫn ra Hồ Tân Nguyệt.
– Đây là hồ nhân tạo, được quân lính miệt mài đào ngày đêm, lấy cảm hứng từ trăng non ôm lấy mặt trời, tạo thành biểu tượng Bửu Thành với ý nghĩa về hai yếu tố quan trọng nhất tạo thành vũ trụ.
Cầu Thông Minh Chính Trực
– Cây cầu được xây để bắc qua hồ Tân Nguyện là cầu Thông Minh Chính Trực, dẫn vào Lầu Minh Lâu.
– Cầu được xây gồm 33 bậc tầng cấp, 2 bên cầu vẫn còn sen, cá từng đàn tụ lại ở chân cầu, bốn bề là núi non hiền hòa bao bọc.
Hiển Đức Môn
– Là một trong những công trình thuộc khuôn viên Tẩm Điện.
Công trình này được xây trên mảnh đất hình vuông, tượng trưng cho thần đất đai (quan niệm thời nhà Nguyễn là đất hình vuông, trời hình tròn).
Bửu Thành
– Là bức tường quây xung quanh quả đồi có chu vi 273 mét, cao 3,5 mét, chỉ có một cửa duy nhất để ra vào.
Bên trong Bửu Thành trồng rất nhiều cây cối, chủ yếu là cây thông.
Theo các ghi chép từ sử sách thì linh cữu của Vua Minh Mạng được chôn cất sâu trong quả đồi, Bửu Thành bao bọc để bảo vệ sự yên nghỉ của nhà vua.
Đến nay vẫn không ai biết vị trí chính xác nơi đặt linh cữu của nhà vua trong đồi.
Lăng Vua Khải Định
Tổng quan
– Lăng Khải Định cùng với nhiều quần thể di tích khác ở cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
– So với nhiều lăng tẩm khác thì lăng vua Khải Định có diện tích nhỏ hơn nhiều so với các vị vua tiền nhiệm, nhưng phải mất gần 11 năm, từ năm 1920 đến 1931 thì lăng vua Khải Định mới hoàn thành.
– Về tổng thể, lăng vua Khải Định được xây dựng thành một khối nổi hình chữ nhật, nằm trên đỉnh với 127 bậc thang.
Vật liệu chính để xây dựng nên công trình này là xi măng, sắt, thép, các loại đồ sứ.
Đặc biệt là thủy tinh được đặt mua từ Nhật Bản, Trung Quốc, thậm chí là có cả một số sản phẩm ngói được đặt mua từ Pháp về để xây dựng.
– Để xây dựng Ứng Lăng, vua Khải Định đã cho mời nhiều thầy địa lý chọn đất hợp phong thủy là vùng núi Châu Chữ cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía nam.
– Lăng tọa lạc ở sườn tây của một ngọn đồi, dưới chân đồi có khe Châu Ê chảy qua.
Ở phía trước, ngay trên trục chính có một ngọn đồi thấp dùng làm tiền án, hai bên là núi Chóp Vung và núi Kim Sơn.
– Lăng Khải Định nổi tiếng với nét độc đáo trong kiến trúc với nghệ thuật khảm sành tinh xảo!
Vua Khải Định (1885 – 1925)
– Là vị vua thứ 12 triều Nguyễn, tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, là con trưởng của vua Đồng Khánh và là thân sinh của vua Bảo Đại.
– Ông lên ngôi năm 1916 và trị vì tới khi mất – năm 1925. Mặc dù ở ngôi chưa tới 10 năm nhưng ông đã cho xây rất nhiều cung điện, dinh thự cho bản thân và hoàng tộc như điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức…
Cũng như nhiều vị vua tiền nhiệm, vua Khải Định đã cho xây Ứng Lăng – lăng mộ của chính mình từ khi còn sống.
– Vua Khải Định qua đời tháng 11-1925.
Tới tháng 1-1926, quan tài của vua được đưa lên Ứng Lăng trong một lễ tang trọng thể, sau khi quàn trong Hoàng cung gần 3 tháng.
– Sau đó, công việc xây lăng vẫn tiếp tục, tới năm 1931 mới hoàn thành.
– Triều Nguyễn có 13 vua nhưng chỉ có 7 lăng mộ.
Vì hoàn cảnh lịch sử, có vua không có lăng (vua Hiệp Hòa), hoặc táng chung vào lăng vua khác (vua Kiến Phúc, Thành Thái, Duy Tân).
– Vua Bảo Đại – vị vua cuối cùng đã thoái vị, sau đó sống lưu vong nên không có lăng.
Như vậy, lăng Khải Định là lăng mộ cuối cùng của triều Nguyễn.
Chi tiết độc đáo trong lăng Vua Khải Định
– Lăng Khải Định có bố cục đối xứng theo một trục thần đạo, trải dài từ thấp lên cao trên sườn dốc của ngọn đồi.
Diện tích xây dựng của lăng nhỏ nhưng mật độ xây dựng dày đặc, không có mặt nước, diện tích cây xanh rất khiêm tốn.
Từ dưới lên trên, các công trình được bố trí trên 5 cấp sân với 127 bậc thang.
– Công trình Ứng Lăng hoàn toàn khác biệt với các lăng và hệ thống kiến trúc cung đình triều Nguyễn ở cả hình thức kiến trúc và sử dụng vật liệu.
Nếu như phần lớn vật liệu xây dựng 6 lăng vua Nguyễn tiền nhiệm là gỗ, đá, vôi gạch… khai thác và sản xuất trong nước thì hầu hết vật liệu xây dựng lăng Khải Định phải nhập ngoại: Sắt, thép, xi măng, kính, ngói ardoise mua từ Pháp, sành sứ phải đặt ở Giang Tây (Trung Quốc).
Hệ thống kết cấu là bê tông cốt thép – một loại vật liệu và kỹ thuật xây dựng du nhập từ phương Tây.
Bên cạnh đó, công trình còn có hệ thống điện, hệ thống chống sét.
– Hình thức kiến trúc công trình là một sự pha trộn nhiều trường phái, phản ánh rất rõ lịch sử – văn hóa trong buổi giao thời và phần nào cả tính cách của vua Khải Định – khá “ăn chơi”, vọng ngoại.
Có thể thấy điều đó qua những trụ cổng hình tháp mang phong cách kiến trúc Ấn Độ; trụ biểu dạng phù đồ (stoupa) của Phật giáo; hàng rào như những cây thánh giá của Thiên Chúa giáo, nhà bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể…
Tuy vậy, các kiến trúc này được xử lý khá khéo léo, ăn nhập và hòa hợp với nhau trong tổng thể.
Cung Thiên Định – công trình chính của lăng
– Nằm ở vị trí cao nhất, được chia thành 5 không gian: Hai bên là tả, hữu trực phòng; chính giữa phía trước là điện Khải Thành – nơi đặt án thờ vua.
Bên trong là chính tẩm (nơi đặt mộ vua), bên trên mộ có bức tượng đồng dát vàng vua Khải Định được đúc theo tỷ lệ 1:1; trong cùng là khám thờ đặt long khám, long vị và các đồ tế khí.
– Cung Thiên Định được trang trí nội thất tinh xảo bằng nghệ thuật khảm sành sứ.
Những nghệ nhân giỏi đã dùng hàng vạn mẩu sành sứ và thủy tinh đủ màu sắc đắp nổi thành hàng ngàn hình ảnh sinh động, như bộ tranh tứ thời, ngũ phúc, bát bửu, bộ đồ trà, mâm ngũ quả…
Đặc biệt, trên trần 3 gian giữa điện Khải Thành có bức tranh “Cửu long ẩn vân” do nghệ nhân Phan Văn Tánh vẽ rất cầu kỳ.
Lúc ấy trong lăng khá đông khách tham quan, tôi nghe loáng thoáng nghệ nhân vẽ bằng chân, bèn về nhà google lại.
Quả thật đất Nam thật lắm bậc kỳ tài!
Nghệ nhân Phan Văn Tánh không chỉ là người dùng chân kẹp bút để vẽ bức họa tuyệt đẹp ở lăng Khải Định, đó là kỳ tài hội họa có một không hai trong lịch sử nước ta.
Ông còn trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng công trình lăng Khải Định.
Giai thoại về Nghệ nhân Phan Văn Tánh
– Nghệ nhân Phan Văn Tánh là tác giả của kiến trúc lăng Khải Định, cũng là người vẽ nên bức bích họa “Cửu long ẩn vân” ở Lăng Khải Định và bức “Long Vân Khế Hội” ở chùa Diệu Đế – một trong bốn quốc tự ở nước Việt Nam ta.
– Có một lần vua Khải Định đến để xem tranh thì thấy ông Phan Văn Tánh vẽ rồng lên những bức tranh, tuy nhiên ông dùng chân để vẽ chứ không dùng tay để vẽ.
Khi nhà vua đến, mọi người đều dừng làm việc xuống nghênh tiếp nhà vua, riêng ông Phan Văn Tánh vẫn cứ mê mải vẽ trên trần nhà.
Vua nghĩ rằng ông này đã không coi trọng nhà vua và ngay cả con rồng thể hiện uy quyền sức mạnh của nhà vua mà ông lại dùng chân để vẽ.
Nhà vua tức giận cho gọi Phan Văn Tánh xuống để hỏi tội.
– Khi tụt xuống đất, ông Tánh giải thích với nhà vua: “Sở dĩ hạ thần không xuống nghênh tiếp nhà vua vì mất rất nhiều thời gian mà công trình sẽ không hoàn thành như nhà vua đã đưa ra.
Còn lý do thứ hai hạ thần phải vẽ bằng chân vì nếu vẽ những bức tranh trên trần nhà bằng tay thì khoảng cách từ tay đến mắt rất gần, mà muốn nhìn độ đậm nhạt một cách hoàn hảo của một bức tranh có quy mô lớn như vậy thì phải vẽ bằng chân, phải nhìn từ xa mới thấy rõ.
– Sau khi nghe người thợ đưa ra những lý do như vậy, mặc dù giận nhưng nhà vua không còn lý do gì để trách, vua Khải Định quay lại bảo với ông Tánh:
“Nếu như Việt Nam này có hai Phan Văn Tánh như nhà ngươi thì ta sẽ chặt đầu nhà ngươi”.
4.3/ Làng Hương Thủy Xuân – Vẻ đẹp bình yên nhưng rực rỡ!
– Làng hương Thủy Xuân nằm trên con đường Huyền Trân Công Chúa, gần đồi Vọng Cảnh Huế, lăng Tự Đức, cách trung tâm thành phố Huế 7km về hướng Tây Nam.
– Khi tôi google, có thông tin cho rằng nghề làm hương đã xuất hiện tại đây từ khoảng 700 năm trước dưới thời nhà Nguyễn.
Xưa kia, làng là nơi cung cấp hương cho triều đình, phủ quan và người dân trong vùng Thuận Hóa, Phú Xuân.
– Làng hương Thủy Xuân sở hữu nhiều sản phẩm đa dạng và độc đáo: Từ hương quế, hương dầu sả, hương thơm dùng để tẩy mùi, cho đến nhang vòng, nụ trầm.
– Tôi cảm thấy khu này được bảo tồn và phát triển du lịch rất tốt.
Du khách ghé thăm được trải nghiệm se hương, rất thú vị!
Một chị khách tây lóng ngóng thử đến là đáng yêu! Đày nắng cả ngày đã thấm mệt, tôi ngắm nghía, ngó nghiêng, hít hà mùi nhang thơm dễ chịu.
Sau đó, nhờ người ta tư vấn chiếc nón làm từ sen cầu kỳ đẹp tuyệt, mua tặng mẹ <3.
– Một nhà ba người chúng tôi tạm biệt cả đoàn, nhờ nhà xe cho dừng ở trường Quốc học Huế.
Cả nhà đi lang thang, chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi trường đã trải qua hơn 120 năm lịch sử – là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt.
Đây cũng là một trong 3 ngôi trường lâu đời nhất ở Việt Nam.
– Trường Quốc Học Huế là nơi “sản sinh” ra rất nhiều nhân tài Việt Nam như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Phạm Văn Đồng, nhà sử học Đào Duy Anh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bác sĩ Đặng Văn Ngữ…
Sau đó, chúng tôi đi bộ về lại khách sạn, ghé một hàng nem lụi ở phố đi bộ gần khách sạn.
Sau một ngày dài đi bộ gần 20.000 bước, nghỉ chân, cuốn chiếc nem nóng hổi, chấm đẫm nước sốt, ngon tuyệt!
Tỉnh cả người!
5. Ngày 5: Huế – Hải Phòng
Cả ngày hôm trước đi tham quan khá “Vất vả” :P, nên ngày thứ 5 cả nhà dậy muộn, đủng đỉnh ăn sáng rồi sắp đồ đạc.
Tôi lên một danh sách những người thân thương ở nhà để mua đặc sản Huế làm quà.
Cả nhà lang thang trong đây lâu lắm :)).
Tôi mua được mè xửng, bánh ép Huế khá lạ miệng, rất nhiều trà và thang rượu ngâm Minh Mạng cho bố tôi.
Tạm biệt vùng đất cố đô, cả nhà về lại Hải Phòng với rất nhiều kỷ niệm và trải nghiệm!
Comment