2 ngày trôi qua nhanh như một cơn gió, đi nhiều nhưng ăn cũng nhiều, tôi béo ú lên, nhưng ăn được và được ăn là một loại hạnh phúc mà, nhất là với người “tâm hồn ăn uống” như tôi.
Ngày thứ 3, tôi tự làm tour guide cho bố mẹ luôn, xông xáo tìm hiểu mua vé, thuyết minh các thứ như một Hướng dẫn viên thứ thiệt! ^^
Ngày 3: Hòn Chồng – Tháp Bà Ponagar – Viện Hải Dương học
Ngày thứ 3 đi bộ nhiều lắm.
Nhưng trộm vía bố mẹ tôi khỏe thiệt luôn, hơn cả thanh niên.
Năm ngoái tôi nhớ trong chuyến Đà Nẵng – Huế – Hội An 4N3Đ với bố mẹ, lúc book tour đi tham quan Đại nội Huế và combo lăng vua Khải Định, vua Minh Mạng, đi bộ nhiều như thế trong cái nắng “hú vía” mà bố mẹ vẫn chiến phăng phăng.
Thế nên dù Hướng dẫn viên không chuyên là tôi sửa soạn hơi lề mề, 9h sáng mới tới Hòn Chồng lúc mặt trời đã lên cao, lại phải đi bộ một quãng dài, bố mẹ vẫn rất trẻ khỏe vui vẻ, enjoy cả ngày dài lang thang khám phá.
1.1/ Hòn Chồng
Sau khi mua vé, cả nhà chúng tôi thong dong bước chậm rãi lên từng bậc thang – lối vào hòn Chồng.
Xung quanh là cây cối và hàng dừa rợp bóng mát, tôi vừa nhẩn nha ngắm cảnh, vừa hò bố mẹ tạo dáng để tôi chụp ảnh.
Ban đầu, tôi nghĩ hòn Chồng ở đây mang nghĩa là Chồng đống, chồng chất, vì lúc tới, tôi thấy hàng trăm khối đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau, rất độc đáo.
Lúc cả nhà chụp ảnh xong, nghỉ mệt tránh nắng, tôi mở điện thoại ra google, tìm hiểu về cái tên hòn Chồng đọc cho bố mẹ nghe.
– Hòn Chồng gồm 2 cụm đá lớn nằm bên bờ biển dưới chân đồi La-san, có thể được tạo nên do sự xâm thực của thủy triều lên ngọn đồi này.
– Cụm đá lớn ở phía ngoài gọi là Hòn Chồng, gồm một khối đá lớn vuông vức nằm trên một tảng đá bằng phẳng và rộng hơn, phía mặt đá quay ra biển có một vết lõm hình bàn tay rất lớn.
– Cụm đá nhỏ hơn được gọi là hòn Vợ, cách đó không xa, song không được chú ý nhiều bằng hòn Chồng.
– Có rất nhiều dị bản về sự tích hòn Chồng cũng như dấu tay 5 ngón kỳ bí in trên tảng đá to nhất ở khu vực này.
Tôi vác theo gậy tàng hình của Insta 360, đi đôi Dr.Martens nặng trịch, co chân nhảy cóc từng bước một qua các tảng đá, đi khám phá mọi ngóc ngách xung quanh.
Tôi đứng một lúc xem người dân câu cá, rồi lại gắng sức trèo lên một tảng đá thật cao, vẫy tay gọi bố mẹ đang ngồi tít ngoài xa.
Lêu hêu ở hòn Chồng hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ, cả nhà lên hàng cafe hòn Chồng nghỉ mát, sẵn sàng cho điểm tham quan tiếp theo.
1/2 Tháp Bà Ponagar
Tháp Bà Ponagar cách hòn Chồng không xa, song, khi taxi chở cả nhà đến nơi cũng đã gần 12h kém.
Trời nắng nóng nhưng không khí chốn trang nghiêm thì vô cùng yên bình và mát mẻ, hàng cây cổ thụ phủ bóng mát khắp khu đồi.
Theo tôi tìm hiểu, khu di tích lịch sử Tháp bà Ponagar nằm trên khu đồi cao khoảng 10m, nhìn ra sông Cái.
Đây là công trình nổi bật cho kiến trúc Chăm Pa cổ xưa, gắn liền với truyền thuyết về nữ thần Po Nagar Dara.
Trong tiếng Chăm, Ponagar có nghĩa là “mẹ xứ sở”.
Điều này thể hiện sự tôn kính và biết ơn của người dân đối với vị nữ thần này.
Theo truyền thuyết, Nữ vương Po Ina Nagar, hay còn gọi là Yang Po Nagar, được tạo nên từ mây trời và bọt biển.
Bà là người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quý, cây cối, lúa gạo và đã dạy người dân nơi đây biết kéo sợi, dệt vải, giúp cho cuộc sống của họ ấm no hơn.
Quần thể kiến trúc Tháp Bà Ponagar được chia thành 3 khu vực: Khu tháp cổng, Khu tiền đình và Khu đền tháp
Khuôn viên Tháp Bà rộng gần 50.000 m2, các tháp đều được xây dựng bằng cách xây chồng những viên gạch lên nhau, rất khít mạch nhưng không nhìn thấy bất kỳ một chất kết dính nào.
Bên cạnh 3 khu vực chính, du khách có thể chiêm ngưỡng các bia ký cổ Chăm-pa tại Tháp bà Ponagar.
Có lẽ tới vào giữa trưa nên không có quá nhiều du khách. Không khí rất trang nghiêm và thành kính.
Bất cứ ai có hành vi cử chỉ thái độ không đúng mực, đội ngũ bảo vệ xung quanh đó sẽ nhắc nhở ngay lập tức.
Mọi người đều mặc trang phục kín đáo, trước khi vào thắp hương ở từng khu đều bỏ dép và mũ ở bên ngoài.
Tôi chụp hình cho bố mẹ làm kỉ niệm, đi dạo vòng vòng xunh quanh 3 khu vực Tháp, rồi ghé khu lưu niệm xem có mua được gì không.
Anh Taxi tốt bụng nhiệt tình biết lịch trình tham quan tiếp theo của nhà chúng tôi, bèn dặn dò anh đợi, khi nào tôi xuống chỉ việc gọi, anh lấy giá rất hợp lý!
1.3/ Viện Hải Dương học Nha Trang
Tôi luôn tự cảm thấy thấy mình có kết nối đặc biệt với đại dương và biển cả, tất thảy những gì liên quan đến nước.
Thế nên tôi yêu “Moana” say đắm và cũng yêu đại dương biển cả đến lạ kỳ.
So với Thủy cung ở Phú Quốc tôi từng đi, viện Hải Dương học dường như không “Xịn xò” bằng, song nơi đây vẫn có những điểm độc đáo mà cả nhà tôi đều thích thú khám phá!
Viện Hải dương học Nha Trang được xem là cơ sở nghiên cứu và lưu trữ về biển lớn nhất khu vực Đông Nam Á, có lịch sử gần 100 năm.
Đây là nơi lưu giữ và bảo tồn hơn 4000 loài sinh vật và hơn 20.000 mẫu sinh vật biển độc đáo.
Bên cạnh khu vực trưng bày tiêu bản, viện còn sở hữu các khu vực nuôi giữ, thuần hóa và bảo tồn nhiều loài sinh vật biển đa dạng khác.
Anh Taxi nhiệt tình tốt bụng vẫn đợi chúng tôi ở bên ngoài, chở cả nhà tới một hàng bún cá sứa mực gì đó bình dân – nhưng anh nhấn mạnh là rất ngon.
Tôi mời anh vào ăn cùng cả nhà, chuyện trò rôm rả với anh và chị chủ quán bởi tầm đó quá trưa, quán khá vắng khách.
Cá tươi và nước dùng ngọt thanh, sữa đậu nành béo ngậy.
Đang ăn thì có một chú chào mua vé số.
Tôi chưa mua bao giờ nên háo hức lắm, mua 3 tờ, tặng anh taxi một tờ, chia cho bố một tờ, còn hí hửng làm clip nếu trúng giải đặc biệt thì 2 bố con sẽ dùng tiền vào việc gì cơ :)).
Ngốc nghếch ghê :))).
Đưa thân phụ mẫu về khách sạn nghỉ ngơi, bí mật về bữa tối và trải nghiệm mới dành cho bố mẹ <3
1.4/ Xem phim chiếu rạp lúc nửa đêm cùng Bố Mẹ
Bình thường ở nhà, bố mẹ tôi ăn tối rất sớm, sau đó ngủ khò khò lúc 21h.
Hôm nay, tôi đặt đồ ăn về khách sạn để bố mẹ ăn xong nghỉ ngơi sớm, sau đó hẹn đưa bố mẹ đi xem suất chiếu sớm phim Lật Mặt 6 lúc 22h, kết thúc lúc 00h30.
Cảm giác đưa bố mẹ đi trải nghiệm những thứ nằm ngoài vùng an toàn quen thuộc thật là thích.
Đúng là đủ duyên lắm lắm luôn, chứ bình thường không có phim này thì tôi cũng không biết lựa phim nào cho bố mẹ xem cho phù hợp, cho 2 cụ đỡ … buồn ngủ hay lạc lõng nữa.
Rạp phim đông lắm, xếp hàng đợi khá lâu, nhưng khi đèn trong rạp tắt, thi thoảng quay sang ngắm nhìn bố mẹ đang chăm chú xem, tôi hạnh phúc vô cùng!
Ngày 4: Tour Đồng Cừu – Vườn nho Ninh Thuận – Hang Rái
Ngày cuối cùng di chuyển khá nhiều.
Tôi book tour trọn gói như ngày thứ 2, xe đưa đón, đã bao gồm ăn trưa và full mọi dịch vụ.
Sau bữa sáng cùng bố mẹ, tôi check-out tạm biệt Mường Thanh Viễn Triều, lên xe thẳng tiến tới Đồng Cừu Suối Tiên.
2.1/ Đồng Cừu suối Tiên
Đồng Cừu Suối Tiên nằm ở xã Cam Thịnh Đông, thành phố Cam Ranh, giáp ranh với tỉnh Ninh Thuận.
Nơi đây vốn chỉ là đồng cỏ, được cải tạo thành một khu du lịch gồm nhiều tiểu cảnh như cối xay gió, xích đu, hồ nước.
Cả nhà mua mấy bó cỏ ủng hộ người dân (chỉ 5k/1 bó), các bạn cừu nhỏ be be sà vào ăn uống ngon lành, còn các bạn lớn như bạn Lan Anh có cơ hội gần các ẻm để chụp ảnh 😀
2.2/Vườn nho Ninh Thuận
Vì tỉnh Ninh Thuận khá gần tỉnh Khánh Hòa nên bên tour du lịch khai thác luôn địa điểm tuyệt vời này!
Sau 1 tiếng 45 phút vòng vèo qua đường đèo, được em Lượng – hướng dẫn viên tour ngày 4 giới thiệu cho chúng tôi về đảo Bình Ba ở phía xa xa, lại bonus thêm một số câu chuyện tâm linh rùng rợn trên đèo Hải Vân.
Đoàn chúng tôi dừng chân trên đèo Vĩnh Hy chụp hình, uống ly nước dừa ngọt lịm, tiếp tục di chuyển tới thôn Thái An, Xã Vĩnh Hải, Huyện Ninh Hải, Tỉnh Ninh Thuận.
Vườn nho Thái An là một trong những khuôn viên trồng nho rộng lớn bậc nhất trên toàn tỉnh Ninh Thuận.
Chúng tôi vào vườn nho bé Diễm – đây là tên thương hiệu của vườn nho này luôn.
Vốn là một người nghiện ngập hoa quả, có thể ăn hoa quả thay cơm, nơi đây đúng là thiên đường của tôi!!!
Lần đầu tôi được chiêm ngưỡng, rồi ngất ngây trước những chùm nho mọng béo phính má, sai chi chít, chùm nào chùm nấy lúc lỉu đều tăm tắp đung đưa trong gió trước mắt tôi.
Tôi kiếm được chiếc giỏ xinh xinh, đưa kéo cho nhị vị phụ huynh cắt nho.
Ở trong không gian xanh mướt mát và thơ vô cùng này, tôi khẳng định cứ giơ máy quay lên là có ảnh video đẹp phát ngất!
Có điều cắt nho thì không được thơ mộng như khung cảnh vườn nho.
Tôi và mẹ đã phải loay hoay luồn kéo cắt mãi mới được vài chùm, vì nó sai quả quá, không muốn làm “tổn thương” bé nào nên cứ phải luồn lách kiếm vị trí đưa mũi kéo vào, xong day day đến vất vả vật lộn :D.
Nho ở đây có nhiều loại, mặc dù không ngọt kiểu khé cổ, song ăn chùm nho tươi thanh mát tự tay mình cắt xuống là một trải nghiệm vô cùng lý thú!
Chúng tôi còn được thưởng thức chế phẩm từ loại quả này như mật nho, siro nho, nho khô, đặc biệt là rượu nho nồng nàn.
Từ bé đến lớn không uống rượu, “giữ mình” bao nhiêu năm ở chốn tiệc tùng, thế nhưng tôi uống “hàng dùng thử” – chai rượu chủ vườn nho mời khách như uống nước ngọt vậy 😀
Thơm thơm ngọt ngọt, chẳng thấy rượu “Đắng cay” gì như lời đồn, tôi uống mấy chén liền, gật gù còn tính mua về, mà sau đóng thùng mấy cân nho tươi rồi, thành ra không còn chỗ cho mấy ẻm rượu nho nên lại thôi :D.
Nho tươi mà rẻ lắm, 50.000 VNĐ/1kg, hỗ trợ đóng thùng chắc chắn miễn phí nữa.
40 phút lang thang trong vườn nho, lúc về tôi còn tiếc nuối mãi T.T
2.3/ Hang Rái
Hang Rái nằm ở phía nam vịnh Vĩnh Hy, dưới chân Vườn quốc gia Núi Chúa, cách thành phố Phan Rang khoảng 35km, cùng vị trí thôn Thái An với vườn nho tôi siêu mê đắm ở trên luôn!
Sau khi lọ mọ đi google, tôi được biết tên Hang Rái được đặt là do nơi đây có nhiều loài Rái cá sinh sống.
Cũng có nguồn thông tin cho rằng có rất nhiều cây rái được trồng tại đây – một loại cây chiết lấy dầu để sơn lên tàu thuyền giúp chống thấm nước mà ngư dân thường sử dụng trước khi ra khơi.
Cũng khá thú vị!
Sau khi đi bộ một đoạn nắng xiên khoai cháy đen thui lui tới lều nghỉ nhìn ra bãi đá – điểm check-in quen thuộc cho mọi du khách khi đến hang Rái, nhiều du khách chùn chân mỏi gối, ngại nắng ngại mệt, nghỉ luôn tại lều, ngắm bãi đá từ … xa :D.
Đây từng là một rạn san hô cổ đã vôi hóa và tạo thành bãi đá hai tầng.
Tầng dưới nằm cách mặt nước biển khoảng vài centimet với mặt đá rộng, bằng phẳng.
Tầng trên cùng cao hơn 2m, có hàng trăm mũi đá cao 20 – 30cm chỉa lên nhọn hoắt, chỗ lại sụt xuống tạo thành các ô tròn, giống như đang đi trên mặt trăng vậy!
Trong lúc chuẩn bị gậy tàng hình để chạy lên bãi đá chơi, tôi nghe thấy bố rủ mẹ phi lên chỗ san hô hoá thạch trong hang Rái này để thăm thú.
Mẹ mệt quá rùi, nắng váng đầu nên mẹ từ chối, kiên quyết nghỉ lại lán.
Tôi chạy tót lên theo bố. Chạy nhanh quá vấp vào 2 hòn đá xước cả giày :D.
Nắng bỏng rát dữ dội, 2 bố con lêu ha lêu hêu ngó nghiêng một chút rồi chạy xuống dưới điểm tập kết, chia tay mọi người ra thẳng sân bay, bay chuyến 19h về lại Hải Phòng, kết thúc hành trình khám phá Nha Trang 4N3Đ với một bồ trải nghiệm đáng nhớ!
Bài thơ tặng Bố Mẹ nhân Kỷ niệm 40 năm ngày cưới
Trên máy bay, bố mẹ chợp mắt cho đỡ mệt, thi thoảng mẹ tỉnh dậy, lại thấy tôi cứ hí hoáy điện thoại, đăm đăm chiêu chiêu nên hỏi.
Tôi thì thầm ra dấu bí mật với mẹ, về nhà tôi mới khoe bài thơ đã chắp bút để tặng Bố mẹ ^^:
Một ngày nắng hạ vừa sang
Nàng ơi ta đã bên nàng rất lâu!
Bốn mươi năm đủ bể dâu
Khổ đau gian khó ta đâu có màng.
Vật chất dẫu chẳng giàu sang
Giàu tình giàu nghĩa bên nhau thắm nồng
Hành trình chẳng trải hoa hồng
“Nằm gai nếm mật”, “lên đồng” em ơi!
Ơn giời ta ”đủ đầy” rồi
Đủ con đủ cháu ân cần yêu thương
Nhắc nhau cuộc sống vô thường
Trân trọng những lúc đời thường bên nhau!
Chúc mừng Hạnh phúc 40 năm của Pama.
Dù có lúc đôi chim câu này cứ như phường chèo nhưng tựu chung lại thì vẫn ổn!
Tôi hạnh phúc và tự hào vì được làm con của Bố Mẹ! <3
1/4/1983
1/4/2023
4. Chi phí cho Nha Trang 4N3Đ
– Combo vé máy bay khứ hồi cho 3 người + khách sạn 4N3Đ: 9.500.000 VNĐ.
– Tổng chi tiêu cho 3 người (Bao gồm ăn uống, taxi, các tour, mua sắm): 13.192.000 VNĐ
=> Tổng: 22.692.000 VNĐ
Comment