Sư Cô Giới Hiền trong ngày đầu Khai mạc Khoá Thiền 10 ngày có nói một câu rằng: “10 ngày là rất ngắn ngủi trong cuộc đời chúng ta”.
Sau trải nghiệm “Xuất gia tạm thời” – trở thành một hành giả tập sự suốt 10 ngày miên mật tại Thiền viện Phước Sơn, tôi nhận ra rằng 10 ngày quả thật rất ngắn, nhưng 10 ngày cũng dài vô cùng!
Bởi với tôi, 10 ngày đó như một năm vậy! Tôi đã học được quá nhiều điều, ngộ ra quá nhiều thứ, trải qua quá nhiều cung bậc cảm xúc!
Trải nghiệm “Xuất gia tạm thời” 10 ngày miên mật 19 – 29/2/2024
Cụm trong ngoặc kép là tôi trích nguyên văn lời Sư Cô Giới Hiền – Tiến sĩ Phật học – thông thạo 5 ngoại ngữ.
Biết ơn sự may mắn và duyên lành khi lần đầu tham gia hành thiền được thực hành dưới sự hướng dẫn của một vị Minh sư!
Tôi đến với khoá Thiền này vì sự tò mò – xem nó như một “môn học” muốn thử, vì rất nhiều anh chị nói về việc: “Đi thiền đi” như một giải pháp cho tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống. (!? – Thật kỳ lạ!).
Tôi đã “ngựa ngựa” mà mồng 7 Tết chạy xe máy từ Hải Phòng vào thẳng Đồng Nai hoả tốc trong 2,5 ngày, tham gia khoá thiền mà miên mật đến độ vô số lần nghĩ đến chuyện từ bỏ.
Song quả thật, có sự thực hành trải qua mới hiểu.
“Đi thiền” không như mình hình dung ban đầu là: Khoanh chân Bán già, nhắm mắt, tụng kinh niệm Phật, …
Không hề nói quá, nó giống như là một cuộc “đại thanh lọc” cơ thể – Thân Tâm Trí vậy.
Tôi nhận ra tham gia khoá Thiền tập rất giống với leo núi.
Người ta hay bảo đi leo núi để chữa lành rồi thành “chữa què” vì … mệt bã người.
Còn đi Thiền (đúng cách, đúng Pháp) thì 10 ngày không lấy đâu ra an lạc bình an thư thái như ta tưởng tượng.
Có thể dùng những từ như: Tra tấn, đau đớn, hành xác, … để mô tả những điều mà cá nhân tôi đã trải qua.
(Sư Cô cũng xác nhận điều này – Thiền Vipassana đúng – là phải cảm nhận được đau đớn).
Song, nó rất đáng – cực kỳ đáng!
Tôi mong mỏi tác ý rằng những người thân bạn bè của tôi đều sắp xếp tham gia được khoá thiền như thế này, dù chỉ một lần trong đời thôi cũng được.
Bởi những điều, những bài học, những giá trị, những hiểu biết, những kiến thức mới, những mối quan hệ mới, … mà tôi nhận được từ quá trình phát tâm di chuyển bằng xe máy vào cho đến lúc về – hoàn toàn xứng đáng và mãn nguyện.
I. Cải thiện sức khoẻ Thân và Tâm
1. THÂN:
1.1/ Ăn uống:
– 10 ngày ăn chay thanh đạm.
– 1 ngày 2 bữa: Điểm tâm sáng và trưa (không ăn sau 12h).
Ăn uống chừng mực, không ăn quá no nên người nhẹ nhàng, da dẻ sáng láng.
Nhai kỹ thì no lâu, dạ dày cũng được ngơi nghỉ.
1.2/ Ngủ sớm – dậy sớm:
– Các thiền sinh tắt điện lúc 21h15.
– 3h30 sáng kẻng vang, chuông ngân.
– Đều đặn 2 khung giờ ngủ và thức – khung giờ mà cơ quan nội tạng và các bộ phận trong cơ thể thèm muốn và khao khát được nghỉ ngơi đúng giờ bấy lâu.
1.3/ Vận động nhiều:
– Lịch trình trong thời khoá biểu tôi đếm là hoạt động liên tục 18 tiếng/ ngày – bao gồm cả thời gian ăn và tắm giặt.
– Đi bộ (kinh hành) liên tục.
– Quần áo giặt tay.
– Sáng nào cũng vác chổi rễ quét sân quanh khu vực thiền đường no(hay còn gọi là chổi xương – lần đầu gõ xuống từ cái rễ, tôi phải đi google xem đúng chính tả không 😂).
2. TÂM:
2.1/ Vì sao đi Thiền lại là giải pháp chữa lành những tổn thương?
– Theo tôi quan sát và kiểm nghiệm dựa trên những trải nghiệm của mình, thì 10 ngày không dùng điện thoại, không bị lao xao bên ngoài làm ảnh hưởng, không nói chuyện (tịnh khẩu), không nhìn ngó (thu thúc lục căn).
Cả ngày 7 tiếng ngồi thiền: Chỉ ngồi yên, nhắm mắt.
Những ký ức, những hình ảnh, những khuôn mặt, những kỷ niệm buồn vui, … nó trồi hết lên, muốn làm cái việc khác để “ấn” nó xuống, tránh né nó cũng không được.
Tự đối diện với nó, tự thầm thì với nó, giận dữ với nó, rồi xin lỗi nó, rồi lại tự hối hận, tự buồn bã, tự đau khổ, tự xin lỗi mình, …
Mà một khi đối diện được rồi, ghi nhận nó rồi thì kỳ lạ là, nó không trồi lên nữa.
Kết hợp với việc nghe Pháp, thực hành chánh niệm theo đúng cách vị thầy hướng dẫn, ta “xử đẹp” được những thương tổn là nhờ vậy.
Mặc dù tôi có khả năng tự chữa lành, tự đối thoại với bản thân khá ổn.
Đến với khoá thiền này không phải với tâm thế của một người ôm những tổn thương nương nhờ cửa Phật.
Bởi trộm vía cuộc sống của tôi trước giờ chưa phải học những bài học quá là oan trái sầu bi nào.
Song với những gì đã trải qua, tất cả dường như đều đã được tôi thông tỏ, dọn dẹp sạch sẽ phiền muộn còn sót lại của tâm trí!
Như kiểu 10 ngày ròng rã: Quét xong thì lau bằng chổi lau nhà, lại lau thêm vài lần bằng robot cho sạch bóng lừ thì thôi!
2.2/ Vì sao đi Thiền lại là giải pháp cho những ai đang mông lung, bế tắc, mắc kẹt, vô định, …?
– Theo lý thuyết tôi được học:
Khi ta Chánh niệm thì sẽ có Định tâm, có định tâm thì Tuệ sẽ khởi.
Và tôi công nhận là đúng như vậy!
– Điện thoại, những việc, những người, … trong lịch trình sinh hoạt hằng ngày làm ta xao nhãng quá nhiều.
Nhưng 10 ngày xuất gia tạm thời – tạm lánh xa cơm áo gạo tiền, tâm ta được thanh lọc.
Vô vàn những ý tưởng mới, những dự định mới, những hay ho mới khởi phát trong tâm trí.
Tôi như kiểu người đang đi trong sương, mù mờ, tự nhiên nắm được một sợi dây đưa mình đến nơi quang đãng vậy!
Rất kỳ diệu.
2.3/ Trí nhớ được cải thiện:
– Khi Chánh niệm – tập trung hay biết mọi điều mình đang làm, tôi ngạc nhiên khi nhận ra khả năng ghi nhớ của mình tăng lên rõ rệt.
– Đôi lúc tới giờ Thiền toạ hay Kinh hành mà hơi mệt hay quá buồn ngủ, tôi đành phải cho tâm trí hoạt động để tỉnh táo bằng cách làm thơ:
Tôi sẽ nghĩ ra ý tứ câu cú, cố gắng ghi nhớ trong đầu đặng hết giờ thì tranh thủ ghi lại.
70 câu thơ tặng Sư Cô đều được “ra đời” theo cách đó.
Ngoài ra, rất nhiều cái tên tôi quên bẵng mà thoảng nghĩ đến cố “nặn óc” nhớ không ra, thì nay nó hiện về rõ mồn một.
Việc lắng tâm quả thực đưa đến những ích lợi không tưởng!
II. Rèn Nghị lực – Nội lực với năng suất X10.
Tôi cảm thấy nay đã hiểu được tường tận cái câu mà mình đã nghe đến thuộc lòng:
“Chiến thắng chính mình là chiến thắng vĩ đại nhất – và khó nhất nữa”!
Động từ “Tra tấn” chính là nhắc đến phần này:
Nôm na là, công việc “Thiền toạ” của chúng tôi sẽ bao gồm 2 nhiệm vụ:
🌱 Thân: Ngồi thẳng lưng thẳng cổ, chân khoanh ở thế bán già hoặc kiết già.
🌱 Tâm: Được yêu cầu chánh niệm, không phóng tâm (không suy nghĩ tới quá khứ vị lai – nó hiện lên thì ghi nhận, chỉ tập trung ghi nhận phồng xẹp ở bụng theo từng hơi thở).
Nghe thật là dễ ha!
Nhưng thật sự đó là nhiệm vụ – thử thách khó nhất trong cuộc đời của tôi suốt 28 năm qua!!!
Như lý tác ý thực sự rất kỳ diệu!
Sau một vài ngày quen với thời khoá biểu mới, sau buổi trình pháp (chia sẻ cảm nhận sau khi thực hành với Sư Cô), tôi tác ý cho chính mình là sẽ thực hành nghiêm túc 2 điều trên trong vòng 1 tiếng đồng hồ:
1. Thân thẳng lưng, thẳng cổ, mắt nhắm, chỉ mở khi nghe tiếng kẻng kết thúc sau 1 tiếng.
2. Quản lý tâm, không phóng tâm, cố gắng chánh niệm 100%, quan sát hơi thở phồng xẹp.
40 phút đầu, tôi vật lộn với bà già bướng bỉnh tên Tâm trong mình!
Thật sự rất bực mình và bất lực.
Đúng như Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết: “Tâm ra rong ruổi như con vượn chuyền cành, không lúc nào dừng nghỉ”.
Mượn hình ảnh này để so sánh, tôi đồ rằng con vượn trong tôi đã tiến hoá lên level ở cấp độ thành tinh yêu quái trăm đường lắt léo!
Nó chuyền nhanh hơn sóc, bất kham như con ngựa hoang.
40 phút, tôi vật lộn trong việc đuổi bắt nó, kéo nó về thực tại.
Song, 20 phút cuối mới thực sự là cuộc chiến đấu vật vã nhớ đời!
Thân thì chân tê bì đau mỏi, mất cảm giác từ bàn chân đến bắp chân.
Lưng tê cứng nhói nhói giật giật từng hồi.
Bà Tâm dỏm bắt đầu ra sức thuyết phục:
Nghỉ 1 giây thôi, mở mắt ra 1 giây nhìn đồng hồ thôi.
Một bên thì ra sức niệm tinh tấn tinh tấn tinh tấn.
“Con không muốn thua mình”, … Cứ thế giằng co nhau từng khắc một.
Nhất là đôi ba phút cuối, khi một vài thiền sinh khác bắt đầu duỗi chân, làm nóng tay để áp vào mắt.
Tôi nghe được âm thanh ấy, cái tâm càng ra sức tham lam gấp gáp chờ mong tiếng kẻng vang.
Phút cuối ấy kéo dài như vô tận.
Thật sự lúc ấy, đầu tôi lùng bùng, đau đớn cả trong đầu lẫn ở thân thể.
Tôi gào lên trong tâm trí mình là cố lên, chỉ một chút nữa thôi, một chút nữa thôi, …
Ít giây cuối trước khi kẻng vang, tôi đã phải tác ý xin đến sự hỗ trợ của Đức Phật để tôi vượt qua được cái giây phút tưởng như gục ngã ấy.
Hơn cả sự tra tấn!
Nó không đau đớn theo kiểu chảy máu sứt da bầm tím, nhìn thấy nó, nhận biết được hình thù của nó.
Với tôi, nó giống như những rep cuối vượt ngưỡng khi tập gym.
Thân ra sức gạ tâm bỏ cuộc, hạ tạ, đừng cố nữa, ok rồi.
Trong khi tâm thì ra lệnh cố nghiến răng nghiến lợi đi, cố hoàn thành cho nốt rep nốt set đi.
Nhưng cái sự gạ gẫm và giằng co giữa thân và tâm ấy so với cuộc chiến trong tâm trí thì thì X lên 100 lần sự đau đớn khó khăn.
Nhưng quả thật, ta mạnh hơn những gì ta nghĩ!
Chỉ cần: Cố thêm một chút nữa thôi!!!
Sau này, Sư Cô có nói với chúng tôi rằng: Nếu vượt lên được chính mình trong những giờ phút ấy thì ra ngoài cuộc sống, ta sẽ không sợ bất cứ điều gì nữa!
Ta sẽ có can đảm, nội lực và nghị lực để đối diện với mọi điều bất như ý, khó khăn trong đời!
III. An lạc nhờ Chánh niệm
Trước giờ nghe hoài đến Chánh niệm, tôi chỉ hiểu rằng đó là sự hay biết mình đang ở thực tại, đọc được rằng có Chánh niệm sẽ có hạnh phúc bình an.
Nhưng không hiểu tại sao???
Khi đi khoá thiền này, tôi mới vỡ lẽ ra nhiều điều, có thể gọi là “giác ngộ”.
Tôi hiểu thế nào là Tham – Sân – Si hiển thị trong mỗi suy nghĩ khởi lên của ta.
Tôi hiểu nguyên nhân phiền não đến từ đâu.
Tôi hiểu thêm một “level” mới về cách Nhân – Quả vận hành.
Đặc biệt, tôi cảm thấy mình có thể hiểu những gì Sư cô giảng về “Vô thường, Khổ, Vô ngã”!
Mọi thứ sinh rồi diệt, đến rồi đi, không có gì là mãi mãi.
Nguyên nhân của phiền não là cứ mãi vọng tưởng về quá khứ mà nuối tiếc, cứ tưởng tượng kỳ vọng đến những điều trong tương lai chưa xảy ra.
Muốn an lạc, phải Chánh niệm để quán tâm – đưa ta về thực tại mà hay biết rằng hãy “sống” ở ngay giây phút này đi, chỉ có khoảnh khắc này là thực, là có thật, ghi nhận đó.
Về mặt lý thuyết cơ bản là vậy.
Song trong buổi trình pháp đầu tiên sau 2 ngày thực hành, tôi có hỏi Sư Cô rằng:
– Dạ thưa Sư Cô, trong những thời thiền có lúc con thực hành được Chánh niệm – dù chỉ trong thời khắc ngắn ngủi cách quãng.
Song con không cảm nhận được sự an lạc hay cảm giác gì đó tương tự như vậy ạ, xin Sư Cô giải đáp dùm con!
Sư Cô trả lời:
– Con chưa đến giai đoạn đó, đó là giai đoạn khác.
Hiện tại Chánh niệm của mình còn yếu, còn phóng tâm nhiều, mình chưa cảm nhận được sự an lạc bình an rõ ràng được.
Chưa thấy An Lạc nhờ Chánh niệm, song tôi có thể thấy cải thiện được sự hậu đậu của mình nhờ Chánh niệm.
Sau 10 ngày thực hành sống-rất-chậm theo nghĩa đen, tôi phát hiện ra không phải mình hậu đậu bẩm sinh như mình vẫn nghĩ:
Kiểu ơ tự nhiên đang cầm đồ nó tự rớt tui biết gì đâu??? :3
Hoá ra, do tôi không tập trung hay còn gọi là “để tâm vào” – sự phóng tâm “bay bay” nó nhiều hơn bình thường nên mới sinh ra vấp váp vụng về như thế.
Sư Cô nói tâm ta mỗi một khoảnh khắc nó chỉ hay biết được một đối tượng mà thôi.
Ồ, thật chí lý!
Tôi hay có cái tội côm đam làm mấy việc cùng lúc, chẳng trách!
Còn mấy vụ lỡ quên này quên kia thì là do lúc làm không “Chánh niệm” – tâm phóng đi lung tung.
Tôi nhận ra sau khi mấy lần thực hành chánh niệm trong sinh hoạt như lời Sư Cô dạy – Lấy thức ăn biết mình đang lấy thức ăn, để dép biết mình để dép.
Quả là lúc có chánh niệm, giờ giải lao là tôi nhớ được dép mình để chỗ nào.
Còn nếu lúc để dép mà tâm phóng đi chơi xa, kiểu gì lúc ra cũng lùng sục lộn đầu này đầu kia đi tìm dép!
Chánh niệm – thực sự là chìa khoá của an lạc, của hạnh phúc.
Bởi hay biết ở thực tại, mình đang còn được sống cũng rất hạnh phúc rồi!
IV. “Ít một chút là vừa đủ”.
Tôi vẫn nhớ đọc đâu đó về triết lý Lagom của người Thuỵ Điển rằng: Biết đủ chính là hạnh phúc.
Song, trong lớp Lãnh đạo chính mình tôi học cuối năm ngoái, tôi nhớ như in câu cô Kim Sơn nói: “Ít một chút là vừa đủ”.
Tôi đã học được bài học này hồi gãy xương đòn tháng 7/2023, với những quả trải nghiệm oigioioi kiểu:
– 5 ngày không tắm, không skincare, không rất nhiều thứ mà bình thường tôi tưởng mình không thể sống thiếu.
Nhưng bài học đó chưa đủ sâu sắc bởi khi nhúc nhích được, khi bình phục, tôi lại dính mắc vào rất nhiều thứ (cái tâm Tham mong cầu của con người quả đáng sợ)!
Thế nhưng trong khoá Thiền này, pack đồ không tính toán kỹ nên tôi phải tự linh động xoay sở rất nhiều trong sinh hoạt 10 ngày, vậy mà vẫn sống khoẻ re.
Đúng kiểu “Ít – Thậm chí thiếu nhiều chút – cũng vẫn Đủ”!!!
– Ví dụ không có nước giặt, tôi dùng sữa tắm.
Canh me mấy gói sữa tắm tích trữ trong túi đồ tôi chuyên vác đi trekking hay đi tour mà hết, tôi chuyển sang giặt bằng dầu gội.
– Nước ở thiền viện cũng … ò í e mất nước thường xuyên. Nên việc tắm giặt bằng chậu cũng cần tiết kiệm từng gáo nước, …
– Rồi là vật bất ly thân trong thời đại này là điện thoại – không có cũng chẳng sao, không nhung nhớ nó nhiều như mình tưởng!
Ngược lại nhờ vậy, tôi có sự tập trung khi vui vẻ ngắm nghía những thứ nho nhỏ xinh đẹp quanh mình.
Những thứ nho nhỏ xinh đẹp đầy sức sống ấy là:
– Tiếng chim hót líu lo vào khoảng 7h sáng.
– Đàn bồ câu gần trăm con lả lướt “tạt đầu” tôi ầm ầm mỗi ngày (tôi đếm thật đấy không bịa đâu! Có điều đang kham nhẫn đếm đến con thứ 6 chục thì bay tán loạn nên đành ước chừng đấy chứ 😛!)
– Hoa phượng đầu mùa đã nở.
– Hoa bằng lăng tím mơ màng đã lác đác trên ngọn, đi kinh hành thi thoảng lại thấy vài cánh hoa tim tím mỏng manh dưới chân mình.
– Cây sake quả có hình thù như quả mít.
– Đàn kiến ở gần chỗ ghế đá không phải kiến đen be bé bình thường mà là kiến vàng size đại, to bổng lên, bò thành đàn đông nghịt lúp xúp…
Sự quan sát này có được cũng một phần là nhờ việc “Thu thúc lục căn” nghiêm ngặt trong khoá của Sư Cô Giới Hiền.
Lục căn gồm: Mắt, mũi, Lưỡi, Tai, Thân, Ý.
Đặc biệt là mắt, đi đúng kiểu mắt nhìn xuống mũi, cúi đầu, đừng có nhìn ngó lung tung rồi sinh khởi tâm đánh giá phán xét.
Chỗ này lúc đang thiền tôi chợt nhớ đến hình ảnh Đường Tam Tạng, tự nhiên A! lên.
Nhớ ra trong phim, Đường Tam Tượng nói chuyện mắt cứ nhìn xuống dưới, hoá ra là do vị đó đang thu thúc lục căn!!!
Rõ ràng, việc kham nhẫn – cúi đầu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng đều đem đến cho ta nhiều ích lợi hơn là phiền toái.
V. Thật thà chân thật không thua thiệt – Tử tế thiện lương là điều ta răn mình mỗi ngày!
Sương sương 5 bài học này tranh thủ ngồi chờ ở sân bay tôi gõ lại.
Chứ sự học “thỉnh kinh” lần này tôi dự tính phải lưu lại cả một series trong hành trình đáng ghi nhớ này của mình!
Bởi chuyến đi lần này quả thực mang đến cho tôi vô số những trải nghiệm, những bài học, những con người, những mối quan hệ kỳ diệu và thú vị.
Càng đi, tôi càng nhận thức sâu sắc một điều rằng:
Thật thà chân thật không thua thiệt.
Tử tế lương thiện mãi là điều ta răn mình mỗi ngày!!!
🪷 Biết ơn tất cả những sự tác ý diệu kỳ, những tinh tấn nỗ lực để tôi hoàn thành được khoá Thiền 10 ngày này.
🪷 Biết ơn sự may mắn phước lớn được tu tập dưới sự chỉ dẫn của Sư Cô Giới Hiền.
🪷 Biết ơn mối nhân duyên trùng phùng với các “bạn Thiền” đặc biệt của tôi:
💞 Minh Trang
💞 Bác Phương
💞 Chị Hồng
💞 Sư Cô Tuệ Tĩnh.
Nếu bạn đọc được tới đây, tôi tin là bạn có duyên thử đầu tư cho mình một cuộc “Đại thanh lọc” lắm lắm!
Tặng bạn lời như lý tác ý sớm có sự tu tập với những trải nghiệm tuyệt vời của riêng mình nhé ạ!
Comments (5)