Khoá Thiền 10 ngày miên mật dưới sự hướng dẫn của vị Minh sư – Sư Cô Giới Hiền là trải nghiệm đặc biệt (Và có lẽ là khó khăn nhất) trong cuộc đời tôi từ trước đến nay!
Hoạt động 18 tiếng 1 ngày cụ thể như thế nào? Cùng theo dõi chi tiết lịch trình 1 ngày của Thiền sinh trong Khoá thiền 10 ngày tại Thiền Viện Phước Sơn nhé!
Những “Highlight” trong Khoá Thiền vừa “Đáng sợ”, vừa thú vị như một thử thách để chinh phục đó là:
1. Nộp điện thoại và các đồ vật giá trị khi check-in nhận thẻ trong buổi đầu khai mạc tại Thiền viện.
2. Tịnh khẩu 10 ngày: Không nói, không ra hiệu, không nhìn vào mắt.
3. Thu thúc lục căn: Mắt, mũi, lưỡi, tai, thân, tâm.
Lúc nào cũng phải nhìn xuống ngay chân, không ngẩng mặt nhìn ngó dáo dác xung quanh.
4. Ngày ăn 2 bữa, không ăn sau 12h trưa.
5. Hoạt động 18 tiếng/ngày (bao gồm cả thời gian ăn uống, tắm giặt).
6. Thức dậy lúc 3h30 sáng.
7. Tắm giặt, ngủ nghỉ là đều là chỗ tập thể: Nước thường xuyên mất, ngủ chiếu nhựa trải trên đất.
8. Thiền toạ: Hoạt động ngồi thiền: Thẳng lưng, giữ yên tư thế trong 1 giờ đồng hồ.
9. Kinh hành: Hoạt động bổ trợ để ngồi thiền được tinh tấn hơn – rèn sự kham nhẫn bằng cách đi-rất-chậm để quan sát được từng hành động trong chuỗi “Dẫm – Đạp – Nhấc”.
1. BUỔI SÁNG
1/ Khung giờ từ 3:30 đến 7:00
– 3h30: Thức dậy.
Trong nhóm Zalo trao đổi thông tin, chúng tôi được dặn dò mang đồng hồ báo thức.
Khi đến nơi check-in thì Sư Cô trong BTC có hỏi tôi có muốn mượn không.
Song ngủ phòng tập thể nên tôi nghĩ rằng chuông của hai mươi mấy con người reo thì kiểu gì tôi cũng dậy được nên tôi không mượn đồng hồ báo thức.
Mấy ngày đầu, vì chưa quen nên dường như ai cũng mệt, mọi người đều cố “ngủ rốn” thêm một chút nữa, thành ra giờ đi đánh răng rửa mặt thường rất đông.
Sang đến ngày thứ 4 thứ 5, có lẽ vì muốn các Thiền sinh dậy đúng giờ để chánh niệm tốt hơn, không vội vàng mà có Sư Cô mang kẻng tới tận cửa phòng đánh.
– 3:30 – 4:00: Vệ sinh cá nhân
– 4:00 – 4:30: Kinh hành
– 4:30 – 5:30: Thiền toạ
Đây là khoảng thời gian dễ “gục ngã” buồn ngủ nhất trong ngày.
Xung quanh bốn bề yên ắng vắng lặng tuyệt đối, trời vẫn tối, lúc đi kinh hành còn thấy rõ cả bóng mình dưới ánh trăng.
Lúc không chịu được vì cơn buồn ngủ kéo đến, tôi thường mở mắt để tỉnh táo lại, và thi thoảng cố không bật cười bởi phía trước tôi, các tăng, các chú tiểu dường như cũng mệt và buồn ngủ, cứ lát lát lại … gật đầu liên tục :DD.
– 5:30 – 6:00: Vệ sinh thiền đường
Có lẽ đây là một trong những khoảng thời gian tôi thích nhất trong suốt 10 ngày tham gia khoá Thiền tại thiền viện Phước Sơn.
Trời quang đãng, không khí trong lành và tươi mới, bầy chim thức giấc bắt đầu véo von.
Nhà máy hay khu công nghiệp ở gần đó chưa hoạt động, bốn bề vẫn tĩnh lặng, chỉ có tiếng chổi loạt xoạt của chúng tôi vnag lên quanh Thiền đường.
Lâu rồi tôi mới được cầm lại chổi xương tre.
Lưng cúi rạp, tôi ra sức kéo một đường dài, hăng hái quét hết khu này tới khu khác.
Những cây cổ thụ lá rụng như trút, quét sạch bong rồi chỉ lát nữa thôi, gió rì rào lại thổi lá rơi xào xạc, trút xuống đầy sân, nhưng đó là quy luật của tự nhiên mà!
Người thì quét, người thì lau Thiền đường, tôi hạnh phúc khi vừa làm vừa hít hà thứ không khí an lành trong trẻo!
– 6:00 – 7:00: Điểm tâm sáng
Kẻng vang, chúng tôi xếp thành hàng dọc, lặng lẽ đi vòng qua cửa sau của Thiền đường để nhận đồ ăn sáng.
Khoá Thiền không thu phí, nên mọi đồ ăn là đều là đồ cúng dường của các Phật tử cho các hành giả trong khoá tu này.
Chúng tôi có 2 lựa chọn: Ăn mặn và ăn chay.
Tôi lựa chọn ăn chay, nên menu buổi sáng chủ yếu là hủ tiếu chay, cháo với các loại hạt đậu/đỗ.
Xếp hàng nhận đồ ăn trong Chánh niệm hết 15 phút.
Chúng tôi cùng đọc kinh quán tưởng khi Thọ thực và Chúc phúc cho các thí chủ trước khi ăn (Để không mắc nợ người cúng dường).
Sau đó Sư Cô Giới Hiền sẽ nhắc nhở hoặc chia sẻ một vài điều tới các Thiền sinh khoảng 15 phút, rồi mọi người cùng dùng bữa trong chánh niệm.
2/ Khung giờ từ 7:00 đến 12:00
– 7:00 – 8:00: Thiền toạ
Đây cũng là khoảng thời gian ngồi thiền “chill” nhất trong ngày – tôi cảm thấy đây là khoảng thời gian tinh tấn nhất, tập trung được nhất trong ngày.
Thời tiết Đồng Nai buổi sáng sẽ tầm 20 – 25 độ.
Không khí mát mẻ dễ chịu, bình minh vừa lên, nắng bắt đầu hoe hoe rọi qua cửa sổ sà vào Thiền đường.
Không gian bình yên và “Sạch sẽ” một cách kỳ lạ – Sạch sẽ vì vừa được dọn dẹp và sự “sạch sẽ” trong ngoặc kép tôi cảm nhận được giống như là chốn này “không vướng bụi trần”vậy!
– 8:00 – 8:30: Kinh hành
Chắc chắn đây là 30 phút yêu thích nhất trong 10 ngày làm Nhà hành giả tạm thời của tôi!
Tôi đã đi chân trần trong suốt 10 ngày vào mỗi giờ kinh hành.
Không phải vì bắt buộc, mà bởi vì tôi thích việc đi chân trần trên đất lắm lắm!
Sinh ra ở quê, tuổi thơ tôi từ xa lắc lơ đôi khi vụt hiện lại những ký ức dịu êm tươi đẹp về cảm giác chân trần trên nền gạch khi phủ cỏ, khi là rong rêu mát rượi mỗi lần quét sân quét gõ, khi là trên nền đất bùn êm êm mỗi lần đi tát nước róc buổi sớm ngoài đồng, 5 ngón chân be bé quặp chặt vào đất, trụ vững cho chắc để không ngã, …
30 phút này, tôi thích tha thẩn lang thang ra một góc xa xa ít người, thỉnh thoảng lại dừng lại tắm nắng, dù lúc này mặt trời đã lên cao và nắng đã hơi ran rát tí tách trên da.
Thi thoảng, tôi lại “thoát chánh niệm”, cho phép nghỉ ngơi một chốc, đọc những bức tranh in những câu Kinh pháp cú trên các cây cổ thụ.
Bất động ngắm nhìn đàn bồ câu gù gù xôn xao cả một góc sân, ăn uống thoả thuê những thức ngon lành mà sư ông vừa rải ra cho chúng.
Ngồi tưởng tượng “phiên dịch” xem đàn sẻ, đàn chích choè ríu rít chuyền cành gọi nhau râm ran.
Lâu rồi tôi mới nghe lại tiếng hót của chích choè, ở quê giờ cũng vãn hẳn tiếng của loài này, chỗ tôi chỉ còn lũ sẻ là nhiều.
Cứ “Vít … rồi choè” ngân nga trong nắng, chẳng trách mà nickname thứ 2 của các bé này là “Vít choè”!
– 8:30 – 9h30: Thiền Toạ
– 9h30 – 10h30: Tắm giặt
Tôi chọn tắm giặt khung giờ này cho thoáng, mặc dù vẫn hơi lạnh.
– 10h30 – 12:00: Thọ thực
Thú thực ban đầu, tôi không hiểu vì sao giờ ăn trưa lại … lâu vậy!
Sau này tôi mới hiểu, nguyên việc xếp hàng và đợi mọi người nhận đồ ăn xong cũng mất khoảng 30 phút.
Chúng tôi tiếp tục đọc kinh Quán tưởng khi Thọ thực và dùng bữa trong chánh niệm.
Tôi thích nhất là bình bỏng gạo nhỏ nhỏ bằng ngón tay cái một.
Mặc dù tập gym cũng tiêu thụ kha khá ức gà đùi gà protein từ động vật mỗi ngày.
Song tôi cảm thấy bản thân mình khá linh hoạt và dễ thích nghi.
Tôi tận hưởng việc ăn đồ chay trong sự vui vẻ và háo hức chờ đợi xem nay được ăn món gì.
Thích nhất là hôm Rằm tháng Giêng 15/1 Âm lịch, chúng tôi được cúng dường rất nhiều đồ ăn chay lạ và hấp dẫn, nhất là món đậu đỏ hạt to khổng lồ! Ngon ngậy lắm luôn!
2. BUỔI CHIỀU
– 12:00 – 13:00: Thiền toạ
Khung giờ này dễ gục ngã không kém gì khung giờ lúc sáng sớm bên trên!
Cũng bởi “căng da bụng dễ trùng da mắt”, nên Sư Cô Giới Hiền luôn dặn dò các vị hành giả hãy lấy đồ ăn trong Chánh niệm, để quán cái Tâm Tham của mình khi lỡ thấy đồ ăn yêu thích không lấy quá nhiều.
– 13:00 – 14:00: Kinh hành
Thời tiết thay đổi, nóng lên rất nhanh.
Mọi người thường đi kinh hành lặng lẽ trong thiền đường hoặc ở hành lang có mái che.
Một số khác thì đội khăn che đầu lang thang dưới con đường có những gốc cây rợp bóng.
Vì khu nam và nữ riêng biệt 2 bên cánh tả – hữu của thiền đường nên tôi không quan sát được bên nam đi kinh hành như thế nào.
Tôi thì vẫn chọn những khu vực ít người, một mình lang thang khi chánh niệm, khi chiêm nghiệm về thật nhiều thứ, …
Đôi khi nắng rát mặt, tay, chân, nhưng vì đã có lời thề giữ giới nên tôi không dùng kem chống nắng.
Vả lại, một số thời điểm như thế này thì tôi cũng không quá cầu kỳ chuyện da dẻ giữ gìn, có nhiều thứ hay ho để chú tâm tới hơn là chuyện da dẻ trắng – đen.
– 14:00 – 15:00: Thiền toạ
– 15:00 – 16:00: Kinh hành
– 16:00 – 17:00: Thiền toạ
Ca chiều khá “Vất vả”, cứ tiếng một tiếng một liên tục như thế.
Tiếng nhà máy ì ì từ khu công nghiệp ngay sát Thiền viện Phước Sơn vọng đến.
Tiếng xe, tiếng rao vặt vọng vào – cũng bởi Thiền viện quá rộng nên mọi người đi ô tô, đi xe máy thoải mái trong sân.
Khu vực làng Thiền cũng cấm ô tô di chuyển để giữ không gian yên tĩnh cho các Thiền sinh và Hành giả, song không tránh khỏi sự xáo động nhất định.
Lúc này nắng hoàng hôn bắt đầu chiếu vào cửa sổ hướng Tây bỏng rát.
Vài bữa sau, tôi thấy một anh thợ đến khoan tường, lắp ít rèm cho các Thiền sinh đỡ nắng.
Ban Hộ thiền quả thực rất chu đáo! <3
– 17:00 – 18:00: Tắm giặt
Khoảng thời gian mọi người đi tắm, tôi tranh thủ về lại phòng sinh hoạt giãn cơ, tập một vài động tác với Body Weight, ghi chú một vài điều đã nghĩ ra trong thời gian ở Thiền đường.
3. BUỔI TỐI
– 18:00 – 19:00: Nghe Pháp
Tôi rất thích nghe Pháp!
Mặc dù tôi thường nghe online qua … podcast ở nhà, nhưng ngồi nghe giảng trực tiếp tại Thiền đường, trong không gian tĩnh lặng trang nghiêm, trước mặt là tượng Đức Phật uy nghi là một cảm giác rất đặc biệt!
Tôi nghe chăm chú và ghi chép cũng chăm chú.
Tôi cũng đặt rất nhiều câu hỏi (bằng cách ghi ra giấy và gửi cho Ban Hộ thiền) cho Sư Cô, và cũng thích thú lắng nghe rất nhiều những câu hỏi từ hay ho đến hóc búa của các Thiền sinh khác.
Ở những ngày cuối, có lúc tôi và Trang nhìn nhau gật gù rồi viết giấy cho nhau, đều đồng tình rằng Sư Cô Giới Hiền như một cuốn Bách khoa toàn thư sống vậy!
Tôi đã viết một bài Recap – tóm tắt lại tất cả những ghi chú với những kiến thức hay ho giá trị đã học được từ những giờ Giảng Pháp của Sư Cô Giới Hiền!
– 19:00 – 20:00: Kinh hành
Thời gian đi Kinh hành ở khung giờ này thường rút gọn xuống còn một nửa, bởi vì số lượng Thiền sinh tham gia khoá thiền lần đầu chiếm tới 90%, nên số câu hỏi nhiều quá, tới tấp gửi đến Sư Cô mong chờ được giải đáp!
– 20:00 – 20:45: Thiền toạ
– 20:45 – 21:00: Tụng kinh rải tâm từ
Chúng tôi tụng bằng tiếng Pali rồi sau đó là tiếng Việt.
Không ai dạy chúng tôi cách đọc như thế nào cả.
Nhưng có Sư Cô tụng mẫu nên tôi cũng mạnh dạn tụng theo.
Thực tế thời gian tụng hết 2 mặt A4 Kinh Rải tâm từ tới 20 – 25 phút.
Theo google, Pāli (𑀧𑀸𑀮𑀺) còn gọi là Nam Phạn – là một ngôn ngữ thuộc nhóm Ấn-Arya Trung cổ hay prakrit, là dạng ngôn ngữ lingua franca (ngôn ngữ chung) trong Phật giáo nói chung.
– 21:00: Ngủ nghỉ
Sau 18 giờ miệt mài Kinh hành – Thiền toạ – Nghe Pháp – Sinh hoạt ăn uống tắm rửa, … chúng tôi lặng lẽ trở về phòng nghỉ.
Vì không được ra khỏi khu vực Làng thiền Vipassana (mà thực tế tôi nghĩ có được phép cũng không ai còn sức để đi nữa), nên mọi người ngủ từ rất sớm.
Cây cối rậm rạp nên nhiều muỗi vô cùng, mọi người đều bỏ màn, trừ tôi và em bé cao cao ở đối diện, bởi tôi ngủ không màn đã quen rồi.
21:30, điện tắt, mọi người chìm vào giấc ngủ thật ngon!
4. Mẩu chuyện nho nhỏ của tôi
Trải nghiệm bị “bóng đè”
Đêm 16/1 Âm lịch – Thiền viện Phước Sơn tổ chức lễ Dâng đèn lên Đức Phật.
Tôi không nhịn được mà rủ bạn Thiền Minh Trang đi “ngó nghiêng một tí”, hẹn nhau vẫn giữ giới là được :3.
Thế là 2 đứa đi tung tẩy ngắm nghía tầm 30 phút rồi về.
Tôi bảo Trang lên phòng trước, tôi rửa chân tay một chút.
Đang rửa chân tay thì đầu tôi vụt nghĩ đến Sư Cô trả lời cho câu hỏi về Tụng kinh rải tâm từ cho cả ngạ quỷ, động vật các loài, …
Sư Cô bảo Thiền viện cây cối rậm rạp nhiều, ngạ quỷ cư trú nên ta cũng tụng kinh rải tâm từ đến chúng.
Vậy thôi mà quãng đường từ chỗ tắm rửa lên tới phòng nghỉ cách có mấy bước chân và tầng cầu thang, tự nhiên tôi lạnh sống lưng!
Đêm đó, tôi ngủ chập chờn dù rất mệt.
Khoảng 3 giờ sáng, tự nhiên tôi bị bóng đè không thở được, rồi cảm giác có ai đó cầm cổ mình lôi đi.
Tôi hét lên không được – cứ như bị cấm khẩu vậy, mãi rồi tự nhiên ú ớ được, tôi choàng tỉnh, niệm Phật cho bớt sợ.
Sau này trong giờ trình Pháp, tôi có hỏi Sư Cô, Sư Cô bảo không có ma quỷ, không có bóng đè, nếu gặp như vậy ta niệm trực tiếp vào nó thôi.
Sợ hãi niệm sợ hãi, ghi nhận nó là sẽ bình tâm ổn định trở lại!
Khi trở về cuộc sống đời thường, nghe tôi kể về lịch trình sinh hoạt 1 ngày trong khoá Thiền 10 ngày miên mật tại Thiền viện Phước Sơn, ai cũng lắc đầu le lưỡi.
Quả thật, bao nhiêu năm nay, chúng ta cứ sống với cái nếp như thế, gắn chặt mình với những vật ngoài thân như thể thiếu nó mình không sống được:
Nào là điện thoại, nào là y phục, nào là đồ chăm sóc bản thân, nào là đồ ăn thức uống ngon lành, nào là công việc, … vv.
Thế nhưng sau khoá thiền, tôi nhận ra rằng quả thật ta không cần nhiều đến vậy, ta vẫn sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc (ít nhất là tôi đã trải nghiệm điều đó trong 10 ngày).
Dù thú thực, có lúc tôi thấy hơi buồn chán.
Tôi cũng nghiệm ra một điều rằng, đi tu quả thật phải có căn tu lắm, phải có duyên lắm mới có thể đi tu được.
Bởi đường tu chính đạo cũng lắm vất vả nhọc nhằn, đầy rẫy những khó khăn thử thách!
Có điều, từ những giá trị mà tôi nhận được sau khoá tu này, tôi phát tâm mong mỏi rằng tất cả chúng ta nên thử một lần tham gia, bởi đó thực sự là một cuộc “Đại thanh lọc” Thân Tâm vô cùng đáng giá!