Sau 93 bài viết trên blog của mình, đây là bài viết đầu tiên tôi không viết nháp, mà ấn vào mục “Tạo bài viết mới”, gõ trực tiếp những ý nghĩ đang nhảy múa trong đầu mình.
Nhìn lên cái tiêu đề, tôi chợt phì cười.
Mình đang chia sẻ “thông điệp” gì vậy? – Khúc này có lẽ là phản xạ tự nhiên của một Content Marketing từ hồi Mạng xã hội bắt đầu bùng nổ.
Tôi đã kiếm tiền bằng nghề này, nên hẳn là phải thuộc nằm lòng vụ khách hàng mục tiêu, thông điệp cụ thể, tiêu đề cuốn hút, …
Có điều, phì cười xong thì tôi nhớ ra rằng, tôi đang viết một bài chia sẻ dạng “tản mạn”, và những “bạn đọc” hay nếu phải gọi là “khách hàng mục tiêu” của website này, thì hẳn không thể xếp theo “Nhân khẩu học” bình thường được.
Thực tế thì, một người bạn từng hỗ trợ tôi (sau khi tôi bó tay phải xin cầu cứu vì tự mình không thể vọc vạch sâu hơn nữa một số tính năng trên website), bạn hỏi:
– Đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn là gì vậy?
Không mất nhiều thời gian suy nghĩ, tôi trả lời:
– Những người cùng tần số với tôi, bạn ạ!
Hôm nay là ngày 5/6/2024, cháu gái đầu của gia đình tôi – Huyền ngoác, đã thi xong môn Toán ngày thứ 2, kết thúc 9 năm học miệt mài trên ghế nhà trường.
Khả năng quán tâm của tôi khá tốt.
Song, mới dừng được ở mức nhận ra, gọi tên được các loại cảm xúc, và “chủ động” xử lý nó, chứ còn xử lý hết hay không, hết nửa non hay nửa già, hay hết hoàn toàn, thì tôi vẫn loay hoay … thực tập tiếp.
Chuyện là, trong dòng họ nhà tôi, trước giờ già trẻ lớn bé đều học trường chuyên cấp 3 tên A.
Đến đời cháu gái tôi, cái Huyền ngoác, sau khi hỏi ý kiến tôi, rồi sau khi tự cân nhắc về lực học của mình, quyết định đăng ký trường khác tên B, không phải trường chuyên.
Thú thực, ban đầu tôi hơi buồn.
Sau khi nhận thức được cái sự “buồn” một cách có duyên có cớ như thế này, tôi giật mình phát hiện ra tôi cũng đã đặt “kỳ vọng” vào cháu gái của mình, giống như bố mẹ, như ông bà cháu – những người mà tôi hay phải đóng vai “kẻ phản diện” để “bảo vệ” các cháu của mình.
Một người anh, lúc mới quen biết, để ý cái “kiểu của tôi” trong bữa ăn, trong hành xử sinh hoạt, đã nói với tôi thế này:
– Em hẳn phải sinh ra trong một môi trường rất khó tính, … Sau này em sẽ dạy con em dã man lắm đây, …
Đại thể là như vậy.
Ồ, nhưng thực tế thì trái ngược hoàn toàn.
Kẻ phản diện là tôi vừa kể ở trên, cũng chính là cái đứa chuyên “kèn thổi ngược” trong khi các bậc phụ huynh đang nỗ lực “trống đánh xuôi” vậy!
Tôi khuyến khích các cháu trải nghiệm, nghịch ngợm, chơi bời, “xoã” hết mình nhiệt tình lên, miễn là vẫn tuân thủ theo các quy tắc và giới hạn là được.
Như tôi vẫn nói là “bay trong khuôn khổ”, “phiêu có giới hạn”.
Tuổi nào cũng thế, làm gì cũng thế, ai cũng có thể làm một cánh diều no gió vút bay cao bay xa, nhưng nếu không có sợi dây giữ lại mặt đất, dễ gặp bão tố, … bay mất xác không chừng.
Ví như mới hôm xưa thôi, trời mưa tầm mưa tã, mưa đầu hè như giông lốc ào ạt đổ xuống lúc nhập nhoạng tối, trắng xoá, mát lịm, đánh tan cái ngột ngạt của cả ngày hè dài oi ả bí bách.
3 dì cháu tôi đang ở nhà chị gái, cách nhà tôi độ 2 3 phút chạy bộ.
Tôi quay sang hỏi 2 đứa:
– Các con được tắm mưa bao giờ chưa nhỉ?
Đứa lớp 7, đứa lớp 4 đều lắc đầu nguầy nguậy:
– Con chưa dì ạ.
– Tắm mưa không? 3 dì cháu dầm mưa về nhé?
– Nhưng con sợ ông bà mắng…
– Không sợ, dì bảo kê.
Thế là 3 đứa 1, 2, 3, cùng phi vào làn mưa trắng xoá.
Với 2 đứa nhóc, đây là lần đầu của các con.
Nhưng với tôi, đã 20 năm rồi mới lại được trải nghiệm lại cảm giác ấy!
20 năm mới lại được tắm mưa, tôi để những hạt mưa rào rào rơi xuống đầu, xuống mặt, khắp tay chân áo quần “ướt như chuột lột” theo nghĩa đen.
Cái mát lạnh chui tọt vào lỗ chân lông trong tích tắc, để lại một cảm giác sung sướng khoan khoái ồ ạt lan từ đỉnh đầu xuống chân tôi chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Và trái ngược với hình dung của tôi, trẻ thơ đúng là hồn nhiên và nghịch ngợm như bản năng sẵn có.
Không cần tôi hướng dẫn, không cần dành ra vài giây để “làm quen” bắt nhịp.
Cu cậu lớp 4 đã cười ngoác, mắt tít cả lại, dầm cả người vào cái máng nước đang ồ ồ chảy từ mái nhà của bác hàng xóm xuống đường, quay ngược người “sút” một đường nước điệu nghệ hất lên cả người dì lẫn người chị đằng sau rồi khúc khích cười.
Cú sút … nước đầu tiên tôi né – chắc theo bản năng của … người lớn :P.
Cú thứ 2 thì tôi nhớ ra là mình đang tắm mưa, sợ cóc gì ướt với chả bẩn!?
Thế là tôi cũng hào hứng … sút lại, cho cu cháu ăn trọn một đường đẹp mắt, rồi tôi còn ngoạc mồm cười to hơn cả nó!
Loáng cái đã về tới cổng, bố mẹ tôi từ hiên nhà đứng ra kêu “Ối giời ơi” thảng thốt.
Hợp logic mà, phụ huynh nào thì gần như cũng thế, chả sợ bọn nhóc ốm, sợ đày nắng, sợ dầm mưa quá thể ấy chứ!
Cũng đúng thôi, tại chăm đứa trẻ ốm sốt, mệt lắm! Dù chưa là phụ huynh nhưng … tôi biết.
3 đứa chúng tôi kiểu như biết sắp “kết hiệp”, càng ra sức nô đùa tợn.
An Đông phấn khích X10, cậu chàng trượt một đường dài bằng 2 đầu gối như thể một anh chàng tiền đạo vừa ghi bàn, trượt trên sân cỏ, mặt ngửa tếch lên giời trong tâm thế Người chiến thắng.
Song, đen cho ông cháu tôi, cái sân gạch hoa trơn như bôi mỡ – trượt xong đường băng chiến thắng như trêu ngươi ông bà thì hắn … ngã ngửa ra đằng sau, ăn quả dộng đầu xuống sàn gạch, đau chết lặng.
Kỳ thực lúc ấy mồm cười cười trấn an bố mẹ đằng hiên, nhưng cúi xuống gọi cháu với đỡ nó lên, tim tôi cũng thòng ra ngoài vài nhịp.
May là chỉ u đầu, hề hề.
Không sao, trải nghiệm mà, tôi ra sức cù nách thằng cháu đang mếu cho nó cười, xoa dịu lẫn trấn an “xung đột” có nguy cơ chuẩn bị bùng nổ.
3 dì cháu lóp ngóp hè nhau đi tắm, kết thúc vài phút tắm mưa “xoã” vui hết nấc!
Những kỷ niệm ấu thơ của dì, được tái hiện lại.
Những kỷ niệm ấu thơ của các con, được bắt đầu.
Ây za, tôi sa đà vào câu chuyện tắm mưa quá, …
Nhưng mà ký ức ấy mới hôm xưa, nó sống động quá, tôi không dừng được mà cứ mải miết gõ, mải miết gõ.
Kể một câu chuyện tưởng như không liên quan ấy, để thấy rằng tôi luôn sắm vai “Kẻ phản diện” trong gia đình – Kẻ xứng đáng nên bị trói lại và nhét … giẻ vào mồm mỗi khi bố mẹ hay ông bà dạy các cháu :>.
(Tôi thử đi Crocs trong bụng bố mẹ mà đồ đoán rằng như thế :3).
Có lẽ vì sự có mặt của tôi ở đó … phá bĩnh quá.
Dẫu rằng tôi biết trò hoạt náo “Trống đánh xuôi kèn thổi ngược” là không nên.
(Hoặc chí ít, tôi nên làm một kẻ phản diện khéo léo và hiệu quả hơn).
Song, dù tôi là người có niềm tin 100% rằng: Việc học, đọc, hấp thụ tri thức có tác động, và tác động trực tiếp đến việc hình thành nhận thức, tư duy của một người quan trọng như thế nào, trong tôi vẫn luôn mách bảo rằng hãy để các con được chơi, được tích luỹ thật nhiều trải nghiệm sống!
Quay trở lại câu chuyện cháu gái tôi đổi nguyện vọng, không đăng ký vào trường chuyên nữa.
Khi nhận thức được cái sự buồn và hụt hẫng của mình, tôi thấy chính mình cũng đang kỳ vọng vào cháu, gửi gắm vào cháu những “điều gì đó” giống như bố mẹ, ông bà vậy.
Tôi có “tiêu chuẩn kép” với cháu không nhỉ?
Nghĩ suy có đến mấy ngày, tôi mới thông.
Vì thế, 1 giờ sáng ngày 4/6 – tôi quyết định viết một đoạn để gửi đến Huyền ngoác, cũng là giãi bày cho chính tôi.
Giây phút ấy, tôi thật tâm thật lòng gõ ra như một lời hứa với con và với chính mình, rằng:
“Tôi sẽ luôn ủng hộ mọi quyết định của con, rằng tôi luôn ở bên cạnh, hay ở đằng sau hỗ trợ con gái”!
Chiều hôm ấy, Huyền ngoác về hỉ hả kể tôi:
– Dì ơi, lần đầu tiên con đi thi mà không bị run với cả tim đập dì ạ, con thấy nhẹ nhàng lắm.
Tôi biết, con đã cảm nhận được sự tin tưởng, tin cậy chân thành từ tôi – điều đó đã tiếp thêm sức mạnh cho con nhiều lắm…
Trước đó, nhiều người lớn, một cách rất vô tư vô tâm, hỏi cháu gái tôi:
– Cứ đăng ký đi, sợ gì?
– Lực học như nào mà lại không dám đăng ký, mạnh dạn lên cháu.
– Sao dì/cậu giỏi thế mà cháu lại thế?
…
Tôi biết, 15 tuổi, chẳng đứa trẻ nào nội lực đủ mạnh để mà giữ mình không hoang mang, không nghi ngờ, không bối rối, không giận dữ, không xấu hổ, … trước những câu hỏi đó.
Tôi trấn an cháu, cũng như nói với chính bản thân mình:
“Đã làm thì không sợ, đã sợ thì không làm”.
Con giành cho mình một khoảng không gian riêng yên tĩnh, con tự hỏi bản thân con, nếu lựa chọn điều này mà con không day dứt, không nuối tiếc, là điều con thực sự muốn, thì con cứ làm.
Con làm chủ cuộc đời con, con gái nhé!
… Và cuối cùng, Huyền ngoác đã tự ra được quyết định lớn đầu tiên cho cuộc đời mình, và con cam kết, vui vẻ, tự thấy mình có trách nhiệm với lựa chọn đó.
Tôi gõ những dòng này khi nàng ta đang tung tăng đi liên hoan khối lớp 9, kết thúc 9 năm học rồi đấy!
An Đông lớp 4 thì đang đá bóng với tụi nhóc dưới sân, hò hét váng một góc trời.
Quỳnh ki thì đang ngồi ban công phòng dì đọc nốt “Búp sen xanh”, nom cái dáng vẻ đọc chăm chú say sưa thật đáng yêu quá đỗi!
Ngắm nhìn những điều bình dị ấy, lòng tôi cũng chợt nở hoa…