– Này chị trả này, trông kinh lên được ấy!
– Này chua thì giả đấy nhá!
2 câu này đều cùng của một người – chị Nguyệt bánh cuốn – hàng xóm cạnh Shamdi Hải Phòng.
Câu đầu chị nói ngày khai trương.
Câu sau chị nói sau hơn 6 tháng “chung sống”.
Chỉ khác là, câu thứ nhất tôi nghe xong thì khóe miệng giật giật, mặt sượng trân, kìm nén lắm mới không … khóc.
Còn câu thứ 2 thì tôi cười hì hì,
“Vâng, chua chị cứ để em ăn cho, em thích ăn chua mà!”

Mới chân ướt chân ráo đến, từ lúc chốt thuê mặt bằng tại 25 Lạch Tray, tôi cũng chưa biết ai vào với ai, cứ gặp người thì chỉ biết … chào hỏi niềm nở thôi.
May mắn có bác Thanh – bác bảo vệ bên Canifa rất nhiệt tình, dặn dò, chỉ tôi cái này cái kia, …
Sau rất nhiều chuyện nhỏ chuyện to, khúc mắc trong lề ngoài lề, cuối cùng thì ngày khai trương cũng diễn ra thuận lợi theo đúng kế hoạch, thời tiết và gia đình, bạn bè ủng hộ, hỗ trợ lắm lắm.
Một ngày mệt nhoài, còn một “thủ tục” nữa là xong xuôi, kết thúc ngày khai trương, đó là cắt bánh chia cho mọi người.
Hôm đó tôi được tặng nhiều hoa đẹp, quả ngon, bánh xinh lắm!
Chia cho các bạn ở cửa hàng, cho mọi người xong, tôi dành chiếc bánh Angel Kim Cương tặng với 2 tầng khá cao, trên đỉnh là một khu vườn ngập tràn hoa đủ màu, siêu siêu đẹp, để chia cho hàng xóm xung quanh.
Tôi hì hụi cắt, chạy sang nhà chị Nguyệt trước.
Rồi lại chạy tót về, mang sang nhà cô cũng bán bánh cuốn ở cạnh Canifa.
Cổ thích lắm, kêu còn cứ cầm sang cho cô.
Tôi toe toét, đang hí hửng về cắt thêm, tự nhiên thấy cửa mở, chị Nguyệt ngó vô, chìa cái bánh ra, nói như quát:
– Này, chị trả này, trông kinh lên được ấy!!!
Chị còn nói gì không thì tôi không nhớ rõ, vì lúc ấy tôi đúng kiểu “act cool, đứng hình mất 5s”, hóa đá chôn chân tại chỗ là có thật, mặt mũi méo xệch.


Tôi hậm hực chực khóc, cầm cái bánh lại, lúc đó có My, có anh Thế Anh xuống phụ giúp tôi từ sáng sớm vẫn còn ở lại.
Style của những ông anh già tôi chơi là rất phũ, có gì cứ đâm thẳng xuyên thủng.
Không một lời xoa dịu, ổng bảo:
– Thôi không sao, anh biết tính chị đó mà, em cắt xấu thế này, chị ấy tưởng bánh ăn dở đem cho ấy, nên người ta bực.
Có những người tính đồng bóng họ vậy đấy, có gì nói luôn chứ họ không để trong lòng.
– Nhưng em có ý tốt đem chia sẻ tặng cho người ta, em đâu có đáng bị như vậy đâu?
– Bây giờ phải nhìn lại mình đầu tiên, rõ ràng là em cắt cái bánh giống như người ăn dở đúng không?
… Căn bản là không có “đồng minh” an ủi nên cơn ấm ức nó cũng nguội rất nhanh.
Nào thực hiện slogan “Đừng nhìn lỗi người, hay nhìn lỗi mình” nào!!!
Tôi nghĩ trong đầu vậy, rồi chăm chăm ngó miếng bánh.
Ừ thì công nhận, cái bánh xinh đẹp yêu kiều cao kều này cắt khó thật, hoặc ví thử tôi vụng về thật, nên nom nó cũng không được đẹp mắt lắm thật…
Thấy tôi im im, ổng bồi thêm:
– Bây giờ em muốn giải tỏa, thì em sang em trình bày với chị ấy là đây là bánh mới cắt, không phải ăn thừa mới đem cho chị.
Tôi cự nự:
– Ủa em có sai đâu mà em phải sang trình bày giải thích, giải thích đồng nghĩa với thú nhận.
– Thế em cứ định ấm ức như thế này à?

… Tôi suy nghĩ khoảng chừng 5 phút.
Ừ thì thấy Mr Thông Thái nói … cũng đúng.
Trước giờ, tôi vốn rất thành thực và tôn trọng cảm xúc của mình.
Có gì mà khúc mắc trong lòng là lựa lời nói ra, bày tỏ ra luôn.
Thế nên mất lòng trước thường được lòng sau, mà cũng không phải giữ trong lòng rồi lao tâm khổ tứ suy nghĩ nhiều…
Tôi dè dặt:
– Thế … giờ em sang luôn nhá?
Mr Thông Thái gật đầu khuyến khích.
Tôi quyết định chạy sang, nở một nụ cười (đương nhiên là không được tươi cho lắm, dù đã rất cố gắng):
– Chị ơi, bánh em vừa mang qua chị là em mới cắt, do em cắt xấu nên nhìn nó vậy chứ không phải em ăn dở đâu ạ. Bánh mới đấy chị ạ.
Chị Nguyệt có vẻ bất ngờ, chị chỉ ngẩng lên ừ hử rồi thôi.
Tôi cũng không nán lại lâu, chạy tót về cửa hàng, tự nhiên thấy bao nhiêu cảm xúc tồi tệ, tủi thân, ấm ức nó bay biến sạch.

Sau 6 tháng 7 ngày làm hàng xóm của chị, dần dần tôi hiểu tính cách chị hơn, chị em hiểu nhau hơn.
Thi thoảng tôi quên bật điện bên ngoài lúc 17h chiều, chị lại mở cửa vào nhắc.
Cửa cuốn kẹt, hay standee hồi đầu tôi không biết xoay sở làm sao để cho vào, chồng chị cũng giúp rất nhiệt tình.
Thi thoảng có quà bánh gì, tôi lại đem sang mời chị, cũng như chị Nguyệt, 2 bác bảo vệ, có thức quả gì lại í ới cho tôi.
Câu thứ 2 của chị ở đoạn mở đầu là nói về 2 quả cam, tôi mới mang từ quê ra, chia cho gia đình chị và bác bảo vệ.
Chị cũng lại nhăn mặt:
– Này, có chua không đấy?
– Ơ em thấy có quả ngọt quả chua, cam vườn nó cứ dôn dốt ấy mà.
– Nhưng chua thì giả đấy nhá.
– Vầng, chua cứ để em ăn cho, em thích ăn chua mà!
Đấy! Cũng là “giả lại”, nhưng nếu “nhìn lại mình” trước tiên, nếu đổi góc nhìn, “có hiểu thì mới có thương”, sẽ thấy mọi việc, mọi điều thật nhẹ nhàng, nhẹ nhõm!
Đó là lý do tôi trích dẫn câu này – trong tác phẩm của nhà văn tôi vô cùng yêu thích, vào Trang chủ của Yolomoana.com:
“Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta, nếu ta không cố tìm mà hiểu họ, thì ta chỉ thấy họ gàn dở, ngu ngốc, bần tiện, xấu xa, bỉ ổi… toàn những cớ để cho ta tàn nhẫn, không bao giờ ta thấy họ là những người đáng thương, không bao giờ ta thương…”
Trong lúc viết bài này, chị Nguyệt chuẩn bị đi mua cơm vì nay chồng chị về quê, chị hỏi tôi có ăn đậu không, chị mua cho.
Tôi cười bảo thui, em mang cơm rồi, đợt này em quyết tâm giảm cân rồi, khắc nghiệt lắm!
Chị cười hehe rồi phóng cái vèo đi, còn tôi quay trở lại, gõ nốt những dòng này.
Thấy ấm áp vui vui trong lòng.
Những bài học có tính “giác ngộ”, đôi khi lại đến từ những “người thầy” rất bình thường, những tình huống rất thường tình.
Cảm ơn và biết ơn Mr Thông Thái aka anh Thế Anh thật nhiều, đã “làm nguội” tôi bằng những lý lẽ sắc bén, đã vất vả hỗ trợ tôi bao nhiêu là việc không tên trong bữa khai trương hôm ấy…
Và thực tình, không phải về riêng chị Nguyệt bánh cuốn, nếu cứ chân thành, không bao giờ ta là người phải nói “hối tiếc”, “giá như”….