Nhớ những ngày xưa ấy, mưa đầu hè… Những trận mưa lớn ầm ầm trút xuống.
Là con bé con học lớp 2 gầy gò nhỏ thó mà nghịch ngợm.
Trống trường điểm là ùa ra hành lang đứng đợi mẹ đón về, xòe 5 ngón tay thích thú hứng lấy những giọt nước to tròn rơi lộp bộp từ trên mái.
Chẳng nhớ rõ là mẹ đi xe đạp hay mẹ đi bộ ra lớp đón về nữa, chỉ nhớ mơ màng cảm giác chui sau tấm “vải nhựa” của mẹ, chứ không phải áo mưa xịn như bây giờ, theo mẹ về nhà.
Sau đó mẹ vào bếp nấu cơm, hình như lúc ấy là khoảng 10h35 sáng…
Mưa đầu hè thường lành lạnh mát mát, mẹ nấu bếp rơm khói theo gió bay ra quyện lấy mùi nồng thơm ngai ngái của rơm mới.
Ngày nào cũng dặn mẹ trước khi vùi nồi cơm xuống bếp, mẹ nhớ đốt thêm tí lửa cho con có cơm cháy ăn mẹ nhớ…
Cơm mới ngày ấy mở nắp vung là mùi thơm ngọt bay ra, mẹ bảo nồi cơm mà “đầy hơi” là nồi cơm ngon chất lượng.
Ngọt cái ngọt của lúa mới gặt ngoài đồng về, bát cơm trắng từng hạt dẻo mẩy căng.
Ngày bé chỉ nhăm nhe đợi cả nhà ăn cho vơi vơi đi là bắt đầu công cuộc “Cho con đào cháy”…
Gọi là “cơm cháy”, nhưng tôi thích gọi mỹ miều là một “thức quà hảo hạng”, có tiền cũng chưa chắc được thưởng thức! Vì để mà có cơm cháy “chuẩn”, đâu có dễ!
Phải là nồi gang đế dày, đun đến 1 thời gian nhất định, sau đó đun thêm một chút, rồi đốt thêm rơm ở trên nắp vung trước khi vùi nồi cơm xuống tro.
Khi nào tới giờ ăn, gạt bớt tro ra, bắc nồi lên bếp rồi phùng miệng chu chu ra thổi để tro bay đi bớt.
Rồi khi xới cho mỗi người một bát xong, vừa hồi hộp, vừa háo hức xem hôm nay có thu hoạch được mảng cơm cháy vàng giòn rụm nào không…
Thức quà này phải ăn ngay lúc nóng xuýt xoa mới ngon.
Để lâu nguội đi thì bị cứng, ăn nóng chấm muối vừng hay cá kho tóp mỡ, thì đúng là quên sầu quên chết – như mẹ tôi vẫn hay bảo!
Nếu chẳng may non lửa thì chỉ ra “vầng cơm”, không ra cháy. Mà quá lửa thì ra cơm cháy theo nghĩa đen, mẹ bảo ăn vào học dốt :)))
Ngày nào sang trọng hơn, có mớ cá đồng kho nục với thịt ba chỉ mà phần mỡ nhiều hơn phần nạc.
Mỡ cá mỡ thịt cùng với bao nhiêu là gia giảm quyện ở dưới đáy nồi mà mẹ gọi là “bẫn”, chấm miếng cháy vào cái nước “tinh túy” đó thì đúng thật là… đi hứng dãi :)).
Những cơn mưa ngày ấy, thời mà còn nhiều ao hồ, nhiều kênh rạch, còn những lũy tre làng “vươn mình trong gió tre đu”, còn đậm cái hồn quê chân chất…
Mưa rào đầu hạ, từng đàn cá rô xót mắt rủ nhau “lóc” lên bờ. Tại sao lại “xót mắt” nhỉ? Chả biết dưới góc nhìn khoa học như thế nào, nhưng chả muốn tìm hiểu.
Chỉ nhớ một ký ức rất đẹp là đội nón của mẹ, lụp xụp sang bà nội cạnh nhà rủ thằng em đi chơi.
2 chị em xắn quần dong dắt nhau lội nước lóp ngóp bì bõm.
Tự nhiên giật nảy mình vì trước mắt là 1 đàn cá rô ta “đầu bạc”.
Tôi chẳng còn nhớ nó có béo múp hay không nhưng cứ gọi béo múp cho nó thêm phần hấp dẫn :))).
Chúng nó phải 1 đàn gần 10 con nhẩy nhót phấn khích như khiêu vũ dưới mưa.
2 đứa trẻ mắt sáng hơn sao, đứa nào cũng cố bắt thật nhiều nhưng sợ đau, sợ vây nó cào cho rách tay.
Đã sợ lại còn tham, bụm 2 bàn tay đứa trẻ 8 9 tuổi, thì vừa một con cá.
Nhưng cứ máu me bắt thêm được con thứ 2 thì con thứ 1 lại trườn ra. Cuối cùng 2 chị em vác được có mỗi con về nhà, tiếc đứt ruột…
Chuyện ngày xưa thì nhiều lắm, mỗi tội, chuyện ngày xưa chỉ là ký ức thôi…
Càng lớn, những bộn bề cuộc sống buồn vui dần dần lấp đi những kỷ niệm đẹp ngày bé dại…
Chỉ ước ao có chậu Tưởng ký, mỗi lần mệt mỏi, chui vào cái chậu tắm mát bằng “dòng sông tinh thần”, gột rửa hết chuyện buồn phiền, lại khỏe re chiến đấu tiếp…
Một nơi xa,
15/5/2019
Lan bé bỏng của bà,
Con gái nhỏ của bố mẹ,
Dì thối của các con.