Trong chuyến hành trình khám phá Hà Giang 3N2Đ, điểm dừng chân đầu tiên của 2 chị em tôi là rừng thông Yên Minh.
Dù sau này có cơ hội tới nhiều rừng thông khác nhau, như rừng thông trên đường trekking đỉnh Chư Nâm ở Gia Lai.
Rừng thông Yên Minh vẫn để lại trong tôi những xúc cảm đặc biệt, bởi độ khó, bởi gió lạnh nơi vùng cao bám đuổi suốt quãng đường 100km trong ngày lạnh “cao điểm” ở Hà Giang!
1. Rừng thông Yên Minh nằm ở đâu?
– Vị trí địa lý:
Rừng thông Yên Minh cách thành phố Hà Giang khoảng 100km.
2 chị em thuê xe máy, từ thành phố Hà Giang, xuất phát chạy qua cột mốc số 0 kinh điển.
Sau đó, men theo quốc lộ 4C Cán Tỷ, đi qua Cổng trời Quản Bạ khoảng 30km, chạy qua 3 xã Bạch Đích, Na Khê và Lao Và Chải là tới rừng thông.
– Lưu ý:
Từ Quản Bạ, qua cầu Cán Tỷ sẽ gặp tấm biển chỉ rẽ 2 hướng: Yên Minh 22,6km và Yên Minh 41km.
Để tới rừng thông Yên Minh, ta cần rẽ sang hướng 41km.
Hướng còn lại sẽ dẫn tới cây nghiến cô đơn 300 tuổi nổi tiếng ở Hà Giang.
– Tổng quãng đường (Từ thành phố Hà Giang): 100km.
Không có quá nhiều khúc cua gắt ở đoạn đầu, 30km cuối mới bắt đầu ngoằn nghèo, cần tập trung vững tay lái.
2. Chơi gì ở Rừng thông Yên Minh?
Theo thông tin tôi tìm hiểu được, đây là rừng thông nhân tạo, với tổng diện tích lên tới 98ha.
Thực ra trên quãng đường gần tới rừng thông, tôi đã sớm được thưởng ngoạn những hàng thông to lớn, rì rào trong gió, trải dài từ xã Na Khê đến thị trấn Yên Minh rồi.
Ấy vậy mà khi xe của 2 chị em vừa về số, dừng xịch trước lối lên rừng thông Yên Minh, 2 cô gái vẫn ngơ ngác check lại google map, vì lối đi lên sao mà dốc và … oằn tà là vằn quá :D.
Chị Thúy và tôi táo bạo để xe cùng với đồ đạc chằng ở yên sau yên vị dưới dốc, với niềm tin mãnh liệt rằng “chắc không mất đâu” :P, 2 chị em hăm hở cuốc bộ vác theo tripod đi tham quan rừng thông Yên Minh.
Ngày cuối năm, người người nhộn nhịp tấp nập.
Góc này camping, góc kia nướng thịt, góc xa xa nữa thì chụp ảnh, nói cười rổn rảng náo nhiệt cả một khu rừng.
Một rừng thông bạt ngàn hiện ra trước mắt tôi.
Những gốc cây to lớn, cao thẳng tắp, dòng lá kim đan xen che kín cả ánh dương chính ngọ đương trưa, nổi bật trong nền đất màu đỏ (như đất Bazan mà tôi chưa có thông tin để kiểm chứng).
– Mọi người có thể lựa chọn camping với lều trại đồ ăn tự chuẩn bị, hoặc thuê của những người bán hàng trong rừng.
3. Rừng thông Yên Minh trong tôi
Vượt 100km đường đèo tới đây trong ngày lạnh đỉnh điểm của Hà Giang, 2 chị em tôi khoan khoái đón những tia nắng mặt trời hiếm hoi trong ngày.
Bởi suốt quãng đường có đoạn khô ráo, có đoạn mưa rây rây, có đoạn nặng hạt, lạnh thấu xương!
Đa số mọi người quây quần ở ngay khu đầu tiên lối vừa lên dốc, nướng thịt, dựng trại ở đó.
Thực tế rừng thông rộng lắm, 2 chị em tôi chạy ra mãi tít đằng xa chụp ảnh, thấy mình nhỏ xíu trước bạt ngàn là thông, cao lớn tít tắp.
Vì chị em tôi không camping qua đêm nên chỉ ăn trưa ở đó.
Không có quá nhiều lựa chọn, hầu hết là những đồ ăn đã “quen mặt” với những ai thích vi vu núi rừng.
Xúc xích, lạp xưởng, thịt nướng, mì trứng… Toàn những thức dễ vận chuyển, bảo quản, giá cả khá hợp lý, lại nóng sốt ấm bụng.
Gần 2 tiếng lang thang ở rừng thông Yên Minh, chị em tôi tạm biệt để di chuyển tiếp tới làng Pả Vi – Làng H’Mong Mèo Vạc.
Nhất định có dịp tôi sẽ quay lại nơi đây, camping qua đêm ngắm trời sao, nghe rì rào tiếng thông reo vang trong gió!
Comment