Một ngày đầu Thu, sau khi tự cầm lái vượt qua quãng đường đèo Mã Phục – đèo Khau Liêu dài khoảng 89km (hay nói cách khác, là tôi đã vượt qua chính mình bởi khúc đầu trời mưa và đường đèo trơn trượt, tôi thì nhát tay vô cùng tận!).
Cuối cùng, tôi đã tới thác Bản Giốc – con thác huyền thoại nằm tại xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh – niềm tự hào của tỉnh Cao Bằng!
1. Thông tin thú vị về thác Bản Giốc
Thác Bản Giốc nằm trên dòng chảy sông Quây Sơn – sông bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy vào lãnh thổ Việt Nam tại Ngọc Khê, Trùng Khánh.
Thác nằm ở vị trí đặc biệt: Ngay tuyến biên giới Trung Việt. Do đó, phần thác chính đang được cả 2 nước cùng khai thác du lịch, phần thác phụ thì nằm hoàn toàn trong lãnh thổ Việt Nam.
Bản Giốc gồm 2 thác nước riêng biệt.
Thác chính nằm ở phía bắc rộng khoảng 100m, cao 70m, gồm 3 tầng thác chênh nhau 34m.
Đây được đánh giá là phần rộng và đẹp nhất trong bức tranh toàn cảnh của thác Bản Giốc.
Cũng bởi kết cấu hùng tráng của thác: Nước không chảy trực tiếp từ trên xuống mà được phân tách thành nhiều tầng.
Trong khi đó, thác phụ ở phía nam ít nước hơn thác chính và thường cạn vào mùa khô.
*Giá vé vào cổng là 50.000 VNĐ/1 người lớn.
Trong đó, giá vé vào cổng là 45.000 VNĐ và cộng thêm 5000 VNĐ tiền bảo hiểm (Một người anh trong đoàn mua vé chia sẻ lại với tôi).
*Giá vé đi thuyền máy để tiến lại gần thác là 50.000 VNĐ/1 người/15 phút.
2. Những trải nghiệm của riêng tôi với thác Bản Giốc
Từ ngoài cổng tiến vào, tôi háo hức cầm theo gậy chụp hình len lỏi qua dòng người đông đúc tấp nập.
Càng đến gần thác, tôi xuýt xoa vì cảm nhận rõ hơi lạnh tỏa ra.
Viết tới khúc này, tôi lựa mãi vẫn không chọn được một từ nào khả dĩ miêu tả được âm thanh của thác chảy.
Không phải uỳnh uỳnh, cũng không phải ầm ĩ. Có dữ dội nhưng cũng có dịu êm, có hùng tráng nhưng cũng có thơ mộng.
Tất cả những bọt nước trắng xóa ấy, tiếng thác chảy theo từng tầng tầng lớp lớp ấy hòa quyện lại, tạo thành những mảng màu sắc tuyệt vời của tự nhiên vô cùng ấn tượng.
3.”Tiếng ồn trắng” hùng tráng của thiên nhiên
Hôm tôi đến thác Bản Giốc là vào dịp cuối tuần, thời tiết đang chớm vào Thu nên không có nắng, lắc rắc vài hạt mưa nên trời hơi mù.
Trên con đường tới thác có xích đu, có đôi ông bà cụ đang chơi nhạc cụ dân tộc, có ngựa có trang phục thổ cẩm sặc sỡ mà người dân cho thuê để chụp hình, …
Vì đi với đoàn nên tôi bỏ lỡ mất dịp đi thuyền máy ra để gần thác hơn.
Sau khi chụp hình ở thác chính, tôi ra thác phụ, chọn một mỏm đá thật chắc chắn, ngồi đó và nhắm mắt lim dim tới vài phút.
Tôi thả lỏng tâm trí và cơ thể mình, để cho những hạt bụi nước li ti rơi xuống bám trên mặt, trên tóc, lắng nghe “Âm thanh trắng” kỳ diệu của thiên nhiên.
Còn ít thời gian lang thang một mình, tôi tình cờ thấy cây cầu nhỏ nhỏ có thể tiến gần một con thác phụ hơn nữa.
Tôi quyết định lêu hêu khám phá một mình.
Có lẽ đây là nơi duy nhất không có khách nào thích thú ra checkin, bởi đường là bùn đất lầy lội và cây cối rậm rạp nên khá tối.
Tôi lò dò cẩn trọng bước từng bước một qua cầu, lặng ngắm dòng thác ngay trước mắt mình.
Một cảm giác mãn nguyện trào lên trong tôi. Tôi thường thích học hỏi qua trải nghiệm của người khác.
Nhưng những cảnh đẹp trên mảnh đất hình chữ S thân thương này, tôi mong rằng mình được từng chút, từng chút tận mắt ngắm nhìn, thu vào trong tầm mắt, trong ký ức, trong trí nhớ, trong trái tim…
Comment