Chuyến đi Hà Giang 3N2Đ là trip đầu tiên tôi không lên plan, không có sự tìm hiểu trước về vùng đất mà mình sắp tới, chỉ follow theo đôi chân không mỏi của chị tôi – Ms Thúy Toét.
Vậy cho nên trong ký ức của tôi, dinh Vua Mèo hay dinh thự họ Vương là một cụm từ “quen quen”, đã từng nghe loáng thoáng, đọc qua qua ở đâu đó.
Lần này, trong ngày cuối cùng ở Hà Giang, tôi đã có dịp tham quan, mục sở thị tận mắt!
1. Tổng quan về Dinh thự vua Mèo – Dinh thự họ Vương
1.1/ Vị trí địa lý
– Dinh thự Vua Mèo hay Dinh thự họ Vương, tọa lạc tại thung lũng Sà Phìn, xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cách trung tâm thành phố khoảng 125km, cách cao nguyên đá Đồng Văn 15km.
– Theo Wikipedia, dinh thự vua Mèo có diện tích gần 3.000 m2, được khởi công vào năm 1898, hoàn thành vào năm 1907.
Quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng, quy đổi tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.
– Khu dinh thự đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp vào hạng di tích quốc gia ngày 23 tháng 7 năm 1993.
Trong lúc đợi chị Thúy mua vé, thú thật, tôi có hơi … hẫng nhẹ.
Một trong những địa chỉ nhất định phải ghé thăm ở Hà Giang, sao chưa thấy gì hấp dẫn đặc sắc nhỉ?
Mãi cho đến khi lang thang bắt gặp, rồi chăm chú nghe “ké” anh hướng dẫn viên đang thuyết minh về di tích quốc gia này, tôi mới hiểu thêm về toàn bộ cuộc đời và lịch sử, cũng như những câu chuyện kỳ bí xung quanh dinh thự nhà họ Vương.
1.2/ Kiến trúc
– Sau khi chọn được vùng đất có địa thế như ý, vua Mèo Vương Chính Đức giao cho cụ Hoàng – mưu sĩ người kinh gốc Nam Định và ông Cử Chúng Lù – người phụ trách đội quân người H’Mông của Vương Chính Đức nghiên cứu, phác họa tòa nhà trên mảnh đất.
Vua Mèo cũng mời người Hán ở tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) là Tống Bách Giao thầu, có nhiệm vụ thiết kế và thi công dinh thự.
– Dinh thự vua Mèo có ảnh hưởng kiến trúc của 3 nền văn hóa: Trung Quốc, người Mông và Pháp,
Ngôi nhà có 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, được chia thành 3 cung Tiền dinh, Trung dinh, Hậu dinh với tổng cộng 64 buồng được xây 2 tầng, thiết kế dành cho 100 người ở.
– Tổng quan về kiến trúc thì tường sử dụng vật liệu bằng đá xanh vĩnh cửu, mái vách bằng gỗ thông và ngói máng âm dương được làm từ đất nung.
Loại ngói mà nung cứng như sành lên nước ghi xanh, có thể chống được mưa đá to bằng ngón chân cái nơi vùng núi cao khắc nghiệt.
– Lối dẫn vào nhà được làm bằng những phiến đá hoa cương có chạm khắc nhiều hoa văn, mái nhà cong, uốn lượn, mái cổng được làm bằng gỗ lợp ngói âm dương, chạm khắc tinh xảo mang những ý nghĩa nhất định.
– Ngoài ra, tính mỹ thuật cũng được thể hiện rõ trong tổng thể kiến trúc dinh vua Mèo, như:
Phù điêu đá gắn tường, các đầu đao, cánh cửa, chấn song, lan can, tủ, bàn, vách gỗ ngăn các phòng… đều được chạm trổ tinh xảo, cầu kỳ hình long ly quy phượng, hoa lá, thể hiện sự phồn thịnh, quyền quý của bậc đế vương.
– Phía bên ngoài gian chính, Vương Chính Đức cho treo một bức tranh chữ Hán “Biên chính khả phong”, do vua Khải Định phong tặng.
Các mái hiên được lợp bằng ngói ống khắc chữ “Thọ” bằng tiếng Hán.
Các chân cột nhà được thiết kế thành các quả cầu bằng đá, mô phỏng theo hình quả cây anh túc, được trang trí các hoa văn hình hổ, rồng, phượng…
Trong khuôn viên dinh thự còn có một bể lớn dùng để chứa nước mưa, dung tích khoảng 300 mét khối.
1.3/ Công năng
– Khu Tiền dinh là nơi ở của lính canh, lính hộ vệ và nô tì.
– Trung dinh và Hậu dinh là nơi ở, làm việc của thành viên trong gia tộc họ Vương.
Nguyên trạng, toàn bộ gỗ được dùng trong ngôi nhà đều là gỗ thông đá có độ cứng, nhiều nhựa không bị nứt nẻ, mối mọt.
Tuy nhiên, kể từ khi trở thành tài sản của Nhà nước, tất cả các vật liệu gỗ của ngôi nhà đã bị thay đổi khoảng 60% bằng gỗ lim và gỗ nghiến.
– Dinh thự họ Vương được xây dựng theo tiêu chí và yêu cầu của Vương Chính Đức.
Do đó, trước tiên phải đảm bảo được chức năng phòng thủ.
Vì thế, tường thành bao quanh được xây bằng các phiến đá to, gắn xi măng chặt, khít, cao, chống được đạn bắn vào.
Tường dày từ 60-80 cm, cao từ 2,5 – 3m. Ngoài cổng dinh có lính túc trực trên hai chòi gác bằng đá xanh, canh gác nghiêm ngặt.
– Các phòng trong cấp nhà đầu tiên dành để tiếp các dòng họ, quân dân các địa phương đến tụ họp, ăn uống, nghỉ ngơi.
Cấp nhà thứ 2 cao dần lên là nơi ở của các bà vợ, con cái, người hầu hạ gia đình vua Mèo.
Tầng trên tiếp quan tây, quan ta (sau này là nơi làm việc của UBND xã Sà Phìn).
Cấp nhà thứ 3 đã dần cao lên đến 10m so với mặt bằng trước cổng dinh, là nơi ở và để Vương Chính Đức ngồi xử tội phạm, bàn chuyện cơ mật trong bộ tham mưu.
2. Vua Mèo là ai?
– Căn nhà cổ này gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của 2 cha con người Mông là Vua Mèo Vương Chính Đức và Vương Chí Sình (hay Vương Chí Thành – tên gọi được Bác Hồ đặt).
– Ông Vương Chính Đức (1886 – 1962) là người đứng đầu chế độ thổ ty phong kiến miền núi của dân tộc Mông, được biết đến như “thủ lĩnh” của người Mông ở Đồng Văn dưới thời Pháp thuộc.
Bởi thời đó, ông đã cùng với người H’mong tham gia vào tổ chức mang tên ‘’Hươu nai’’ để đấu chọi lại với bọn giặc Cờ Đen (Trung Quốc).
Ông cũng là người duy nhất được đồng bào người Mông nơi đây suy tôn là Vua và chính thức cai quản 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc, Đồng Văn.
3. Những câu chuyện ly kỳ về Dinh thự họ Vương – Dinh Vua Mèo
Vị trí địa lý đắc địa nhờ thầy phong thủy người Tàu
– Tương truyền rằng, nơi ở ban đầu Vua Mèo ở trong một chân núi cao, cạnh hẻm núi lớn.
Được sự gợi ý của một thuộc hạ về việc chỗ ở không hợp phong thủy, ông đã sai lính sang Trung Quốc – đất nước nổi tiếng với những vị thầy phong thủy từ thời Cao Biền với tích “Cao Biền dậy non” để mời Trương Chiếu – một người giỏi phong thủy để tìm địa điểm xây dựng dinh thự.
Cuối cùng, thầy phong thủy đã chọn Sà Phìn làm nơi ở mới phù hợp để xây dựng một dinh thự hậu phát cho Vua Mèo.
– Địa thế đất nằm giữa thung lũng Sà Phìn, nổi lên một quả đồi hình con rùa tựa thần Kim quy, xung quanh là núi cao bao bọc.
Truyền rằng, dinh thự mà được xây dựng trên lưng rùa là biểu tượng của sự vĩnh cửu, sẽ quy tụ phúc lộc dồi dào, vượng phát về sau.
Trương Chiếu kết luận “đây là mảnh đất ở của bậc anh kiệt”, có vượng khí của đế vương.
– Mãi sau này, còn có những giai thoại kể rằng: Hồi chiến tranh biên giới, phía bên kia câu không biết bao nhiêu là pháo 105 ly sang đất ta.
Song, không có quả nào rơi vào thung lũng Sà Phìn, tất thảy đều vượt qua thung, sang nổ ở mãi chân núi phía xa.
Năm 2023, Dinh thự họ Vương kỷ niệm 120 năm xây dựng
Tháng 11/2023 mới đây, nhân dịp kỷ niệm 120 năm xây dựng dinh thự họ Vương, tròn 30 năm dinh Vua Mèo được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 23/7/1993, con cháu dòng họ Vương đã làm lễ tưởng nhớ tổ tiên tại sân chính của dinh thự họ Vương.
Tại đây, ông Vương Duy Bảo – cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành cùng các con cháu họ Vương thành kính chuẩn bị lễ cúng Vua Mèo Vương Chí Đức.
Trải qua 120 năm thăng trầm của lịch sử, trải qua sự khắc nghiệt của khí hậu ở độ cao trên 1.600m so với mặt nước biển, dinh thự nhà Vương vẫn giữ được hình dáng xưa cũ đi cùng với những giá trị lịch sử nơi cao nguyên đá Hà Giang!
Sau khi dành cả một buổi chiều lang thang trên internet, đọc vô số giai thoại hấp dẫn về dinh Vua Mèo và tổng hợp trong bài viết này, cá nhân tôi thấy đây là một công trình đặc sắc và kỳ lạ.
Đó là sự giao thoa kiến trúc thú vị, sự hợp lưu văn hóa một cách tự nhiên, là biểu tượng cho dòng họ vương giả nổi tiếng một thời.
Thực tế, sau khi mục sở thị các ngóc ngách, tôi thấy Dinh thự họ Vương không thực sự to lớn, hoành tráng lộng lẫy.
Song, đây lại là một trong số rất ít các dinh thự ở Việt Nam có đầy đủ các công năng: Ở, làm việc và là pháo đài quân sự phòng thủ kiên cố!
Comment