Ngày cuối của Khoá thiền, trong lúc chúng tôi đang chụp hình kỷ niệm khi mọi người gần như đã về hết, thì tôi thấy Sư Cô Tâm Tịnh.
Số là tôi rất yêu quý Sư Cô, muốn chụp với Sư Cô một tấm hình chung nhưng cứ … ngại ngần.
Nên nhác thấy Sư Cô lúc này, e rằng chẳng biết bao giờ có cơ hội gặp lại nữa, tôi bèn lại gần trò chuyện và xin phép Sư Cô một tấm hình chung làm kỉ niệm.
Cuộc trò chuyện ngắn sau đó cho tôi biết thêm nhiều thông tin về Sư Cô Giới Hiền – vị Minh sư mà tôi đã rất may mắn – phước báu vô cùng khi khoá thiền đầu tiên đã được thực tập dưới sự hướng dẫn của Sư Cô!
Sư Cô Giới Hiền xuất gia từ sớm, là Tiến sĩ Phật học và thông thạo 5 ngoại ngữ.
Đạo hạnh của Sư Cô rất cao nhưng Sư Cô không thích chụp hình, không thích truyền thông.
Có lẽ vì vậy mà cả hành trình của tôi tới lúc kết thúc không có tấm hình nào của Sư Cô Giới Hiền cả.
Ngay cả việc giảng Pháp ngoài khoá thiền, Sư Cô đồng ý cho quay lại nhưng để đăng lên mạng xã hội thì dùng hình hoa sen, hình Đức Phật, …, chứ không để hình cô.
Sư Cô ở Mỹ và Miến Điện, chỉ về Việt Nam 3 tháng và mở 2 khoá Thiền cho Thiền sinh tu tập.
I. Những Câu hỏi và Giải đáp của Sư Cô Giới Hiền
1. Thực hành Chánh niệm đúng theo lý thuyết nhưng chưa thấy an lạc?
– Trả lời: Con chưa đến giai đoạn đó. Niệm lực còn yếu, chánh niệm còn yếu nên hãy cứ kham nhẫn thực hành thêm.
(Về nhà, tôi mới hiểu rằng dù chưa đến giai đoạn ở trạng thái an lạc, song có Chánh niệm thì ta đã diệt trừ được phiền não sanh khởi, ta đã nhận thức ý thức được rằng ta đang ở thực tại, ta đang sống, đó đã là một dạng hạnh phúc!).
2. Khi phiền não sanh khởi ta phải ghi nhận nó. Vậy chối bỏ nó thì sao? Chối bỏ khác gì với ghi nhận?
– Trả lời: Chối bỏ là không muốn nó xuất hiện, phớt lờ nó hay mong nó theo ý mình.
Ghi nhận là chấp nhận nó, nó sanh rồi lại diện, nó đến bao nhiêu lần kệ nó.
Cứ ghi nhận.
3. Có nên gieo duyên cho người thân đi khoá Thiền không? Nếu vậy có tính là can thiệp vào Nghiệp của họ không?
– Trả lời: Đó được tính là tạo nghiệp Thiện.
Nhưng gieo duyên xong thì đừng dính mắc.
Việc của mình là gieo duyên chia sẻ, việc đi hay không đi kệ họ, có như nào ta cũng chấp nhận.
Không dính mắc sinh cảm thọ: Vui vẻ khi họ đi, buồn bã tức giận khi họ không đi.
4. Tại sao không nên có cảm thọ?
– Trả lời: Cảm thọ là có yêu sẽ có ghét, sẽ sinh phiền não bởi lúc đó, tâm đánh giá phán xét sẽ xuất hiện.
Vì thế, ta nên nhìn mọi việc như bản chất nó vốn là: Tất cả mọi sự việc, sự vật, con người, mối quan hệ, …
Thấy là thấy thôi.
Ví dụ: Mọi người có thể nhìn thấy bình hoa trước mặt Sư Cô và khen nó đẹp, nhưng với Sư Cô thì Sư Cô chỉ thấy hoa là hoa thôi!
Không có cảm thọ không phải là vô cảm. Đó là cảm giác cân bằng, mang ý nghĩa tích cực, đạt được trạng thái an lạc.
5. Vậy cảm thọ trong tình yêu nam nữ – gia đình thì sao?
– Trả lời: Chúng ta không chứng đắc A la hán nên vẫn có cảm thọ. Còn là “phàm phu”, còn “Ngũ uẩn” là còn cảm thọ.
Cái ta cần đoạn trừ là sự dính mắc, tâm tham – sân – si của mình với đối tượng mà thôi.
Do đó, ta cần chánh niệm trên cảm thọ để quán cái tâm Thích – Ghét, đoạn trừ cảm thọ.
Bởi thích là tâm Tham (cảm thọ Lạc) – không thích là tâm Sân (Cảm thọ Khổ).
Trong tình yêu gia đình, ta thường rơi vào những cái tâm bất thiện: Là tâm ái, tâm tham => Nguồn gốc của sự khổ.
Ta nên thương trong tâm từ, tâm bi – những tâm Thiện.
6. Tại sao phải lạy Phật? Lạy Phật đúng cách như thế nào?
– Trả lời: Lạy Phật để tỏ lòng cung kính tới bậc giác ngộ đã chứng đắc đạo quả.
Khi lạy Phật, tâm thiện sanh khởi, các chuyển động lạy cũng giúp cơ thể được thư giãn sau khi ngồi thiền.
Lạy Phật hay Đảnh lễ yêu cầu có 5 điểm chạm đất: Trán, 2 tay, 2 đầu gối, bàn tay úp.
II. Tổng hợp những giờ giảng Pháp của Sư Cô Giới Hiền
20 – 21/2/2024
– Chánh niệm là người thầy của ta.
Bởi không ai ngoài ta biết ta đang nghĩ gì.
– Không Chánh niệm ở hiện tại thì dễ ở trạng thái Vô Minh: Bởi tâm Tham – Sân – Si sinh khởi.
– Chánh niệm: Là sự ghi nhận Thân và Tâm cùng trong giây phút này.
Thân hành động thì Tâm phải hay biết. Bởi Tâm chỉ ghi nhận được 1 đối tượng chứ không ghi nhận được nhiều đối tượng cùng lúc.
– Đức tin phải đi kèm với Trí tuệ.
– Nghiệp là của cải riêng của mỗi người, không ai giống ai.
– Chánh pháp chính là con đường thoát khổ, diệt trừ phiền não. Thực hành chánh pháp là thực hành Bát chánh đạo:
Chánh Kiến, chánh Tư duy, chánh Ngữ, chánh Nghiệp, chánh Mạng, chánh Tinh Tấn, chánh Niệm, chánh Định.
– Khi khởi lên đức tin đừng tin mù quáng: “Đừng vội tin, đừng vội bác bỏ, hãy nghe, hãy tự thẩm nghiệm lấy”.
– Cần chánh niệm trên mọi đối tượng, niệm kịp thời kịp lúc mọi thứ sanh khởi – Phải niệm Đúng vào nó!
– Sự ghi nhận là Quả: Thấy được cái này vì có cái kia mà sanh khởi => Chính là Nhân Duyên, Nhân Quả.
– Vô minh – Ái dục sanh khởi khi không có chánh niệm (Tập đế) => Ta sẽ dễ dính mắc, chối bỏ, …
22/2/2024
– Biết rõ được mình đang hành loại thiền nào:
Có 2 loại thiền:
– Thiền Vipassana (hay còn gọi là thiền Tứ niệm xứ, thiền Minh sát): Có từ khi Đức Phật giải thoát khổ đau lên Niết Bàn, phát triển trí tuệ.
Bởi khi Chánh niệm thì có Định Tâm, mà định tâm thì Tuệ sẽ khởi.
– Thiền Samatha (Thiền Chỉ): Giúp Tâm được an tĩnh, song không phát triển trí tuệ.
– Quán Thân: Không dính mắc, bớt luyến ái vào những vật ngoài thân.
– Quán Cảm thọ: Thấy được khổ, loại trừ được tâm tham, tâm dính mắc.
Nhờ thọ khổ mới thấy được sự thay đổi: Đó là thấy khổ, vô thường, vô ngã. Từ đó mới có chánh niệm, mới định tâm.
– Quán Tâm: Thấy được sự vô thường của Tâm: Định, tĩnh, tán loạn, si mê, ngã mạn, … vv.
– Quán Pháp: Thấy được sự vô ngã: Mình không kiểm soát được gì hết.
Không có gì là của mình, nó đến rồi nó sẽ đi: Vui, buồn, đau, khổ, …
– Khi Thiền, ta cảm thấy khó thở là vì ta muốn điều khiển hơi thở. Hãy để hơi tự nhiên, thuận tự nhiên sẽ hết.
23/2/2024
3 loại cảm thọ.
– Ta phải có đức tin. Có niềm tin thì sẽ có sự tinh tấn nghị lực nỗ lực.
– Thọ Xả: Không yêu không ghét, không sanh khởi tâm phân tích đánh giá.
3 yếu tố cần lưu ý:
– Đối tượng sanh khởi.
– Tâm nhận biết sanh khởi.
– Tâm ghi nhận nó.
Nếu đối tượng chưa sinh khởi, ta không đi tìm.
Nếu đối tượng đã mất đi, ta cũng không đi tìm nó.
– Chánh niệm như sợi dây kéo tâm về, từ từ theo thời gian thực hành rèn luyện rồi nó sẽ ở yên đó. Ta sẽ có định tâm – đưa đến chánh kiến trong thiền quán.
25/2/2024
– Hiểu được Nhân Quả, Nghiệp báo.
Giây phút có chánh niệm, phiền não (tham – sân – si) không sanh khởi.
– Giữ giới là nhân.
– Trong cuộc sống, chỉ có Nhân quả hoạt động.
Nếu không thấy Vô thường, khổ và vô ngã thì dễ bám giữ, chấp giữ.
– Thiền Vipassana giúp ta thấy được sự sinh – diệt nhanh chóng của cảm thọ, thấy được thì hiểu được – được giải thoát, đoạn trừ được sự dính mắc vào cảm thọ.
– Hiểu được nhân quả giúp ta biết sợ hãi về hành động bất thiện. Biết sợ thì sẽ không làm.
– Cấu thành nên tội phải có tác ý => Sự cố ý mới tính là tạo nghiệp. Do đó, nếu ta không khởi tâm thì không tính.
26/2/2024
– Người tu tập hoàn toàn có thể sống một mình mà không cần bạn, không cần làm bạn với ai.
Chúng ta cần người bạn như thế nào ta phải biết.
Nếu không tìm được người bằng mình hoặc hơn mình thì thà là một mình còn hơn là làm bạn với kẻ ngu!
– Bởi ta đến với thế giới này một mình, ra đi cũng một mình với nghiệp Thiện và Ác mà thôi.
Do đó, những người bạn làm tâm ta phiền não thì không cần thiết phải kết giao và giữ mối quan hệ đó.
– Mỗi người chúng ta cần phải có giới. Khi có giới sẽ không làm điều bất thiện.
“Chớ nên khinh thường những tội nhỏ, nhiều tội nhỏ sẽ thành tội lớn”.
“Không khinh thường bất cứ việc thiện nhỏ nào”.
– Sự vô thường nghĩa là sự khác nhau, không cái nào giống cái nào.
Không thấy sinh và diệt nghĩa là ta đã rơi vào Thường kiến, cho rằng mãi mãi lúc nào cũng như vậy.
– Không có xả thiền: Chỉ có sự thay đổi oai nghi, thiền xong niệm mở mắt, ghi nhận sự mở mắt, co duỗi tay chân.
– Ngã mạn là cái tôi cao, nhưng trong chánh niệm không có cái tôi, vậy Ngã mạn là gì?
*Trả lời: Ngã mạn là sự so sánh, có 9 loại ngã mạn.
– Có chánh niệm thì cái tôi không có mặt (tạm thời). Không chánh niệm thì cái tôi xuất hiện, mà còn cái tôi là còn ngã mạn.
– Ngày nào – giờ nào ta phát triển tâm thiện thì ngày đó giờ đó là ngày giờ tốt.
– Khi tu tập không dính mắc vào ăn chay hay ăn mặn. Việc ăn không có tội, dính mắc mới có tội.
– Tu tập đúng là phát triển tâm thiện, đoạn trừ tâm bất thiện.
27/2/2024
*4 Pháp bảo vệ:
1/ Quán tưởng về Đức Phật
2/ Quán tưởng về Thiền Tâm Từ
– Nguyện cho tôi và chúng sinh luôn được sự an vui, thoát khổ tâm thân.
3/ Quán Thân bất tịnh
4/ Quán tưởng về sự Chết
– Ta không biết ta chết vào giây phút nào.
“Ta sẽ chết, ta sẽ chết. Cái chết thì chắc chắn, đời sống thì bấp bênh”!
– Không ai thoát khỏi cái chết, bởi vô thường đến bất cứ lúc nào, không rõ ngày giờ, không rõ nơi chốn.
– Hành thiền đúng là thấy khổ, thấy được gánh nặng của thân Ngũ Uẩn này.
* Trong Vi diệu pháp, hối hận là trạng thái của tâm bất thiện, thuộc về trạng thái tâm Sân.
– Ăn năn hối hận không tốt, bởi cái qua rồi ta không thể sửa được.
Chỉ có tâm thiện mới chỉnh sửa được tâm bất thiện thôi.
Do đó, chánh niệm để nhận diện được rằng: Quá khứ đã qua, không dính mắc được nữa.
Hối hận không có lợi cho mình, không có lợi cho người. Hãy kinh nghiệm được nó, chánh niệm trên nó để không vấp phải nữa.
– Quá khứ không truy tìm, tương lai không ước vọng.
– Nếu phát tâm bố thí cúng dường thì hãy làm với Tâm Xả ly: Không mong cầu dính mắc.
Ngày 19/2/2024, nhằm ngày mồng 10 Tết Âm lịch.
Trong buổi khai mạc khoá Thiền, chúng tôi được truyền pháp và đọc to lời thề giữ giới cùng Hoà thượng Trụ Trì Thích Bửu Chánh.
Trong rất nhiều điều Hoà thượng chia sẻ hôm ấy, tôi nhớ 2 điều Trụ trì nói rằng:
Hôm nay mới mồng 10 Tết mà các bạn đã xa gia đình tới Thiền viện tham gia khoá Tu, rất tốt!
Và điều thứ 2 là: “Ta chịu trách nhiệm về Hạnh phúc của ta”.
Quán tưởng lại sau khoá thiền, tôi thấy đúng quá!
Hệt như bức tranh tôi treo trong phòng của mình: “Không ai có thể làm cho ta giận trừ chính ta”.
Hãy làm chủ cuộc đời mình!
Hãy làm chủ hạnh phúc của mình!
Hãy làm chủ vận mệnh của mình!
Sadhu! Sadhu! Sadhu!
Comments (2)